Các cô giáo ngồi kể lại câu chuyện thảm khốc tưởng như vẫn mới hôm qua, còn nguyên sự căng thẳng và đau buồn; còn tôi thì run rẩy và bị ám ảnh cả tháng trời. Thách thức mang tên gọi 'phụ nữ' chính là đây!

"Sao chị lại thích làm báo, nhà báo bị nhiều người ghét lắm". Câu nói mộc mạc chân thành, có phần hơi sỗ sàng của cậu thợ rèn làm tôi không biết phản ứng thế nào, dù câu hỏi/nói này tôi nghe rất nhiều lần trong suốt gần 10 năm trong nghề gõ phím.

Thật ra cậu thợ rèn nói cũng không sai lắm, theo góc nhìn phổ biến và suy nghĩ của số đông: làm báo là húc đầu vào đá, nếu không lẵng nhẵng chạy theo người nổi tiếng cầu cạnh mấy tấm ảnh, vài câu phát ngôn, thì cũng nhào vào những chốn gai góc hiểm trở mà có lúc ăn đòn rồi "bị nhiều người ghét", cho dù điều đó là một thực tế. Chẳng thế mà nhiều nhà báo đã nếm trải những đòn thù khi động chạm đến mảng tối của xã hội.

Là phụ nữ, sao chọn nghề báo?


Khi nói về khó khăn của một người phụ nữ làm báo, người ta thường nhắc đến những thách thức mang tính sức khỏe thể chất hay áp lực tinh thần. Nhưng với kinh nghiệm cá nhân, thì tiếp cận những đề tài, nghe những câu chuyện hay phải đọc những tấm bia thế này là thách thức lớn nhất. Ảnh Hoàng Hường


Tờ báo 'nhiều nữ' đang kỷ niệm 15 năm thành lập, và ngày 20/10 chúng tôi tất nhiên cũng dành để nói về phụ nữ.

Khi nói về khó khăn của một người phụ nữ làm báo, người ta thường nhắc đến những thách thức mang tính sức khỏe thể chất hay áp lực tinh thần. Nhưng với kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy phụ nữ - vốn bị cảm xúc chi phối rất nhiều - và phụ nữ làm báo thì 'sức khỏe cảm xúc' của họ là thách thức lớn nhất.

Làm báo không chỉ đồng hành với tin vui, người tốt việc tốt, trai xinh gái đẹp; làm báo còn thường xuyên tiếp cận với thảm họa, tiêu cực, tội phạm... Nhiều lúc tưởng như mình đã chai lỳ, không còn bị cảm xúc ảnh hưởng nữa. Nhưng không phải...

Shock, ám ảnh, đau buồn

Là cảm giác đeo bám tôi một thời gian dài sau chuyến tác nghiệp ở Tây Ninh về chiến tranh biên giới Tây Nam, trực tiếp nghe câu chuyện từ những nạn nhân thoát chết từ những vụ Polpot tràn sang thảm sát thường dân Việt Nam, tôi mới thấy dù được chuẩn bị tâm lý hay đã lăn lộn đến đâu cũng không tránh khỏi bàng hoàng.

Nằm im lìm trong rừng cao su, một khu nền nhà nhỏ lặng lẽ ven đường, bên cạnh là một chiếc giếng nhỏ. Chị Nguyễn Thị Quyền Trưng và chị Huỳnh Thị Thu Đông, hiện là giáo viên ở Tây Ninh đi cùng chúng tôi về khu vườn cùng trùng người xuống, trầm tư thắp nén nhang lên bàn thờ đặt trên nền nhà. Ngay cạnh đó, có tấm bia tưởng niệm đặt trang trọng. Đọc nội dung tấm bia, dù là người có thần kinh thép cũng không tránh khỏi bàng hoàng!

Đọc nội dung tấm bia, dù là người có thần kinh thép cũng không tránh khỏi bàng hoàng! (Ảnh: Hoàng Hường)

Chị Quyền Trưng và chị Thu Đông chính là trong những giáo viên của trường này. Hai chị thoát khỏi sự kiện kinh khủng đó vì một sự cố ngẫu nhiên. Năm 1977, xã Tân Lập, Tây Ninh vẫn là vùng giáp biên giới hoang vu, thưa thớt. Chị Quyền Trưng, chị Thu Đông cùng nhiều đồng nghiệp giáo viên trẻ khác được điều động lên cắm bản, xóa mù chữ cho các trẻ em Tân Lập.

Các chị được chia về ở cùng nhà với người dân trong vùng. Một vài thầy giáo được bố trí ở lại trong trường tiểu học Tân Thành. Năm 1977 cũng là năm chiến tranh biên giới bắt đầu leo thang.

Theo ký ức của hai chị, cái đêm bi thảm 25/9/1977 là đêm Trung Thu. Kẻ địch đã tính toán trước. Vào đêm đó, học sinh và giáo viên trong trường tập trung phá cỗ, rước đèn tại trường. Từ nhà người dân ở trọ cách trường chừng 8km, hai chị đạp xe đến tham gia. Dọc đường, xe đạp của hai chị bị hỏng, mất khá nhiều thời gian để đến được trường. Gần đến nơi, hai chị đã cảm thấy sự chẳng lành khi nhìn từ xa, khu vực trường và nhà dân xung quanh chìm ngập trong lửa khói, tiếng la khóc thảm thiết khắp nơi. "Chúng tôi biết trường đã bị Polpot tấn công. Tìm được chỗ trú ẩn an toàn nhưng tim tôi đau thắt khi nghĩ đến các đồng nghiệp và giáo viên trong trường"

Từ trái qua: chị Quyền Trưng, chị Kim Ái và chị Thu Đông cùng ôn lại câu chuyện thoát hiểm xưa. Ảnh Hoàng Hường

Cuộc tấn công chỉ diễn ra vài tiếng trong đêm Trung Thu, 11 thầy cô giáo của trường Tân Thành và 592 thường dân của xã Tân Lập, trong đó có rất nhiều trẻ em bị tàn sát theo những cách man rợ nhất.

Một giáo viên khác của trường Tân Thành, chị Kim Ái, cũng nhờ sự ngẫu nhiên phải ở lại nhà không tham dự đêm trung thu ở trường mà thoát nạn. Nhưng chị phải tận mắt chứng kiến cảnh mấy thành viên trong gia đình người dân chủ nhà bị sát hại. Khi giặc ập vào, vài người chạy được ra khu vườn sau nhà trốn thoát, những người kẹt lại trong nhà đều bị giết. Từ vị trí trú ẩn sau nhà, các thành viên khác phải kìm nén cảm xúc để không bật lên tiếng nấc. Bản thân chị Ái được những lùm cây che chắn nên thoát chết, nhưng những gì chị tận mắt chứng kiến ám ảnh chị suốt cuộc đời. (Bản thân tôi khi về nghe lại file ghi âm vẫn rùng mình, và tôi không thể đưa nhiều thông tin vào bài viết vì chúng quá ghê sợ).

Đúng 35 năm trôi qua, các cô giáo ngồi kể lại câu chuyện thảm khốc tưởng như vẫn mới hôm qua, còn nguyên sự căng thẳng và đau buồn; còn tôi thì run rẩy và bị ám ảnh cả tháng trời. Thách thức mang tên gọi 'phụ nữ' chính là đây! Hoặc ít nhất về lý thuyết là vậy!

(Còn tiếp)

Hoàng Hường