Trong phiên giao dịch 1/2/2023, cổ phiếu VNZ của Công ty cổ phần VNG (trước là VinaGame) đã ghi nhận giao dịch lần đầu kể từ khi lên sàn chứng khoán với khối lượng khớp lệnh là 100 đơn vị, với mức tăng trần (+40%) lên 336.000 đồng/cp. 

Thương vụ không có giá trị giao dịch lớn, tổng cộng chỉ 33,6 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên có một cổ đông bán ra cổ phiếu VNZ, kể từ khi cổ phiếu này lên sàn Upcom hôm 5/1. Trong cả tháng đầu năm 2023, VNZ không có giao dịch dù các lệnh mua liên tiếp được rải ở mức giá khác nhau.

Trong phiên giao dịch sáng 2/2, VNZ ghi nhận dư mua hơn 12.000 đơn vị, ở mức giá trần 386.400 đồng/cp, trong khi bên bán thì vẫn trống trơn.

Ông Lê Hồng Minh. (Ảnh: VNZ)

Với mức giá 336.000 đồng/cp, VNZ trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cao hơn nhiều cổ phiếu gây ấn tượng gần đây hay nổi danh trong quá khứ như Hóa Chất Đức Giang (DGC), Vinacafé Biên Hoà (VCF).

Hóa chất Đức Giang DGC trong năm 2022 từng là cổ phiếu có giá cao nhất trên thị trường chứng khoán, có lúc trên 230.000 đồng/cp (hồi tháng 4). Tuy nhiên, cổ phiếu này hiện ở mức hơn 61.000 đồng/cp do giá giảm và chia tách cổ phiếu (hồi tháng 6 với tỷ lệ 100:117).

Cổ phiếu VCF của Vinacafé Biên Hoà thuộc Tập đoàn Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang hiện có giá 225.100 đồng/cp, là một trong những cổ phiếu có thị giá cao nhất trên thị trường.

Trong lịch sử, thị trường chứng khoán ghi nhận nhiều cổ phiếu có thị giá cao như L14 lên 470.000 đồng/cp (đầu 2022); Thailholdings (THD) có lúc lên 250 nghìn đồng/cp; YEG khi có thời điểm lên trên 300.000 đồng; ROS 200.000 đồng; FPT có lúc lên 600.000 đồng/cp…

Hầu hết các cổ phiếu trên đều có thị giá hiện thấp hơn nhiều, một phần do giá ảo, giá giảm chung theo thị trường hoặc/và chia tách cổ phiếu…

Các tỷ phú bất động sản, ngân hàng vẫn chiếm top đầu. (Biểu đồ: M. Hà)

Với mức giá 336.000 đồng/cp, VNZ hiện thuộc top đầu và đưa khối tài sản của CEO Lê Hồng Minh lên gần 1.200 tỷ đồng, gia nhập câu lạc bộ những người sở hữu tài sản nghìn tỷ trên sàn giao dịch.

Ông Lê Hồng Minh xếp thứ 4 top doanh nhân công nghệ giàu nhất, sau ông Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT), ông Bùi Quang Ngọc (Phó Chủ tịch FPT), bà Trương Thị Thanh Thanh (nguyên thành viên HĐQT FPT).

Trong nhóm VN30 (top 30 cổ phiếu lớn trên TTCK), một số cổ phiếu có thị giá cao gồm: VietJet (VJC): sáng 2/2 là 114.600 đồng/cp; Sabeco (SAB) 191.500 đồng/cp; Masan (MSN) 96.500 đồng/cp; GAS 107.800 đồng/cp; Vietcombank (VCB) 89.500 đồng/cp.

Trên thị trường chứng khoán, theo Forbes, Việt Nam có 6 tỷ phú USD.

Các tỷ phú USD người Việt xếp lần lượt theo bảng danh sách của Forbes gồm có: ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO hãng hàng không VietJet), ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Ngân hàng Techcombank), ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát), ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan) và ông Trần Bá Dương và gia đình (ông chủ của nhà lắp ráp và sản xuất xe ô tô Thaco).

Tính đến 1/2, ông Phạm Nhật Vượng có 4,2 tỷ USD.