Nhiều giải pháp bảo tồn tiếng Việt

Những năm qua, công tác xây dựng, phát triển phong trào dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã được triển khai mạnh mẽ. Qua đó hỗ trợ cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc; đồng thời, góp phần phổ biến, truyền bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Hiện nay, có gần 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tiếng Việt được coi là phương tiện lưu giữ, lan tỏa, trao truyền văn hóa, giúp đồng bào ta ở nước ngoài bảo tồn bản sắc văn hóa riêng, khẳng định bản thân và tự tin hội nhập với thế giới. Tiếng Việt cũng là cầu nối đồng bào Việt Nam ở nước ngoài gắn kết với Tổ quốc.

Để hỗ trợ cộng đồng duy trì tiếng Việt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tạo điều kiện cho địa phương thực hiện tốt công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Năm 2016 và 2017, Bộ đã chỉ đạo tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế chế bản, in và phát hành hai bộ sách “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt”. Hiện nay, 2 bộ sách đã được số hóa, đưa lên mạng để khai thác sử dụng miễn phí.

Tiếng Việt là cầu nối kiều bào trẻ ở nước ngoài gắn kết với Tổ quốc.

Tiếng Việt cũng được dạy ở một số cơ sở chính quy của Pháp, như Ban Việt học, Khoa Ngôn ngữ và văn minh Á Đông của Trường Đại học Paris VII, Viện Nghiên cứu quốc gia về ngôn ngữ và văn minh phương Đông, Trường Trung học Jean de La Fontaine, quận XVI và một số cơ sở dạy tiếng Việt do các hội, đoàn của Việt Nam tại Pháp tổ chức.

Tại Ba Lan có Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân với tổng số học sinh hàng năm có khoảng từ 150 - 180 em, chủ yếu lứa tuổi từ 5 - 14. Trường đã hoàn thiện bộ giáo trình riêng “Em học tiếng Việt” gồm 14 quyển với các chương trình A, B, C, D, E; dạy ở trường vào các buổi chiều Thứ Bảy hàng tuần.

Ngày 3/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 930/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030. Việc phê duyệt Đề án và lựa chọn ngày 8/9 hàng năm làm Ngày tôn vinh tiếng Việt không chỉ thể hiện sự cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho kiều bào ở nước ngoài mà còn là dấu mốc quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần gười Việt Nam ở nước ngoài. 

Qua đó, nâng cao nhận thức của kiều bào đối với tiếng Việt, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng, xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh và hướng về quê hương, đất nước.

Khơi gợi tình yêu Tổ quốc qua tiếng mẹ đẻ

Dịp hè năm 2023, nhiều bạn kiều bào trẻ từ các nước trên thế giới trở về thăm quê hương đã bày tỏ những trăn trở và suy nghĩ về việc bảo tồn tiếng Việt cho các thế hệ kế tiếp. 

Trần Ngọc Sáng, sinh năm 2008 là kiều bào trở về từ Rumania. Sang Rumania từ khi chưa đầy 3 tuổi, lớn lên ở đất nước khác nhưng có khả năng nói tiếng Việt của Sáng rất trôi chảy. Trở về thăm quê hương lần này là dịp để em cùng gia đình đi du lịch, khám phá những địa danh nổi tiếng.

Sáng cho biết, việc em nói được tiếng Việt hoàn tự nhiên, do bố mẹ em luôn sử dụng tiếng Việt để giao tiếp với các con. Chỉ khi cần giao tiếp với người bản xứ, cả gia đình mới nói tiếng Rumania.

Trần Ngọc Sáng (áo dài xanh) muốn góp sức vào hoạt động dạy tiếng Việt ở Rumania. 

Sáng tâm sự, “Em có bạn Việt Nam, một số bạn không nói được hoặc chưa nói được nhiều tiếng Việt. Khi đi chơi cùng nhau, cả nhóm quy định chỉ dùng tiếng Việt. Câu nào khó quá, ai biết sẽ giải thích cho mọi người. Khi em đi học, các cô giáo người Rumani cũng dạy rằng, phải biết tiếng mẹ đẻ mới giữ được nguồn gốc, văn hóa của mình. Vì thế, từ nhỏ em đã yêu và cố gắng phát huy vốn tiếng Việt đã có”.

Theo Sáng, khó khăn nhất của em cũng như các bạn trẻ kiều bào sinh ra hoặc sang nước ngoài từ nhỏ trong việc giữ gìn tiếng Việt là ít có tài liệu và môi trường giao tiếp. Vì vậy, Sáng mong muốn có thêm nhiều hoạt động cộng đồng của người Việt để có thể tham gia, tăng cường giao lưu văn hóa Việt hơn nữa. 

Tại Rumania có một số lớp dạy tiếng Việt cho con em kiều bào, Sáng cũng từng tham gia các lớp học như vậy. Em thừa nhận, bản thân mình nói tốt nhưng khả năng viết và đọc vẫn kém. Dịp này, em cũng muốn tập viết để đọc được sách báo, truyện tiếng Việt. 

“Ban đầu tập viết tiếng Việt em thấy nản, thấy khó, có lúc cũng định bỏ cuộc nhưng khi thấy anh họ mình cũng sang Rumania từ nhỏ mà tìm hiểu được văn hóa Việt Nam qua sách, báo tiếng Việt, kể cho em nghe, em lại thấy ham, lại quyết tâm học.

Em nghĩ, để phát triển, giữ gìn được tiếng nước mình trong cộng đồng kiều bào nước ngoài, cần phải tăng thời lượng dạy, có nhiều hỗ trợ về tài liệu hơn… Để thu hút các bạn trẻ học tiếng Việt cũng cần tạo được sự thích thú, khơi dậy tình yêu và khuyến khích ý chí tự học của các bạn.

Những năm qua, Chính phủ Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã nỗ lực, có chủ trương, chính sách để bảo tồn tiếng Việt. Em hy vọng, mình cũng được chung tay, tham gia vào hoạt động này”, Sáng chia sẻ. 

Ngọc Sáng, Khamphoun và Bảo Ngọc ghé thăm Đại nội Huế. 

Bảo Ngọc sinh ra ở Slovakia chia sẻ, quốc gia em sinh sống có đông người Việt nhưng việc dạy tiếng Việt chưa sôi động, phong phú như cộng đồng người Việt ở các nước khác. Trẻ em Việt Nam chủ yếu sử dụng tiếng Slovakia. 

“Có những cộng đồng, việc dạy và học tiếng Việt được tổ chức tốt, thuận lợi nhưng cũng có những cộng đồng việc dạy Tiếng Việt cho các thế hệ sau rất khó khăn bởi thiếu thầy dạy, thiếu tài liệu, không phải ai cũng có kỹ năng sư phạm. Thực sự thì việc đầu tư quan tâm, ý thức đến việc học tiếng Việt cũng có mức độ; trong mỗi gia đình cũng có nhận thức khác nhau.

Đây là điều rất đáng lo lắng. Nếu không có biện pháp để truyền tải ngôn ngữ, chữ viết Việt thì nguy cơ tiếng Việt bị mai một là rất lớn”, Bảo Ngọc khẳng định.

Chia sẻ về cách học tiếng Việt, Bảo Ngọc kể, em nói được và có vốn từ vựng phong phú là do được bố mẹ, cô chú lớn tuổi trong nhà dạy theo kiểu truyền miệng từ nhỏ, tiếp xúc nhiều hàng ngày. Khi về Việt Nam thăm họ hàng nội, ngoại và mọi người, em không gặp khó khăn về ngôn ngữ. 

Tuy nhiên, cũng như Trần Ngọc Sáng, vấn đề Bảo Ngọc gặp khó khăn lớn là viết tiếng Việt cho đúng. Em viết được tiếng Việt không có dấu nhưng khi sử dụng dấu dễ bị lúng túng… Chưa kể Việt Nam có 3 miền Bắc – Trung – Nam, mỗi miền có phương ngữ, giọng điệu khác nhau. Khi tiếp xúc với người Việt ở các vùng miền, Bảo Ngọc cũng gặp khó vì không hiểu hết được những nội dung truyền tải. 

Gặp gỡ, giao lưu với những người bạn Việt Nam là cách Sáng và Bảo Ngọc tăng cường ngôn ngữ tiếng Việt của mình

“Để hiểu về Việt Nam và gắn bó cội nguồn hơn, em nghĩ bên cạnh ngôn ngữ, chúng em phải học và viết được chữ Việt Nam, về quê hương tiếp xúc thực tế… Bản thân các gia đình nên chú trọng đến việc dạy ngôn ngữ mẹ đẻ cho con em mình.

Khi sống ở nước ngoài, trẻ nhỏ sẽ tiếp thu văn hóa, ngôn ngữ, phong cách bên đó. Nếu muốn trẻ giữ được cội nguồn của mình phải giữ được tiếng Việt, cho trẻ tìm hiểu văn hóa Việt… Nếu có điều kiện, các gia đình có thể tự tạo ra những buổi giao lưu, gặp mặt hoàn toàn sử dụng tiếng Việt. Em nghĩ, trẻ nhỏ rất dễ hấp thụ các ngôn ngữ, như vậy, các em sẽ sử dụng được song song cả hai thứ tiếng”, Bảo Ngọc nói. 

Cô gái Khamphoun Xomvixay có mẹ người Việt, bố người Lào, hiện là du học sinh Lào tại Việt Nam. Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Lào nhưng em may mắn được gia đình khuyến khích học tiếng Việt từ nhỏ.

“Bố em cũng từng là du học sinh sang Việt Nam học nên khả năng nói tiếng Việt của bố rất tốt. Bố em nói rằng, tiếng mẹ đẻ rất quan trọng với mỗi người, Việt Nam lại là quê hương của mẹ nên con phải học thật tốt tiếng Việt. 

Khi sang đây học, em có cơ hội được học sâu hơn, biết sử dụng từ đúng ngữ cảnh. Ngoài sách vở, học trên trường, các thầy cô hay bạn bè Việt Nam nhiệt tình giúp em luyện tiếng Việt qua ca dao, tục ngữ”, Khamphoun kể.

Cô gái Khamphoun mang hai dòng máu Việt - Lào. 

Ngoài ra, để nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt của mình, Khamphoun tự luyện nghe thông qua các bài học về hội thoại, nghe nhạc, xem phim tiếng Việt… Đồng thời, tham gia vào các câu lạc bộ, hội nhóm người nước ngoài luyện học tiếng Việt để cùng nhau giao lưu, học tập; hoặc học tiếng Việt qua các ứng dụng dạy tiếng Việt online dành cho người nước ngoài…

Theo lời Khamphoun, hiện tại gia đình em bên Lào đang mở các lớp dạy ngoại ngữ cho người Lào, riêng lớp tiếng Việt hoàn toàn miễn phí cho con em bà con kiều bào. 

“Lào và Việt Nam rất gần nhau, có mối quan hệ hữu nghị anh em, đời sống văn hóa cũng có nhiều nét tương đồng. Việc học tiếng Việt không đơn thuần là biết một ngôn ngữ mà ẩn chứa đằng sau đó là cả một nền văn hóa, vì mỗi con chữ đều mang ý nghĩa sâu sắc, niềm tự hào dân tộc”, Khamphoun bày tỏ. 

Trần Duy Khánh, Nguyễn Hồng Hạnh, Phạm Lương Bằng