Kiên Giang là một trong những tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khoảng 69.219 hộ, hơn 275.000 người. Trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer, với hơn 59.220 hộ, gần 238.000 người, chiếm 13,4% dân số toàn tỉnh.
Những năm qua, tỉnh Kiên Giang tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống bà con không ngừng được cải thiện, nâng lên.
Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết công tác dân tộc năm 2023 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết, trong năm 2023, Kiên Giang còn 1.679 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 2,4%.
Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 42/49 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được công nhận xã nông thôn mới nâng cao.
Theo số liệu thống kê, 3/6 trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia. Năm học 2022 - 2023, Kiên Giang có 99,44% trẻ 5 tuổi vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào học mẫu giáo; có 99,98% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1; có 22 trường phổ thông vùng dân tộc thiểu số có dạy chữ Khmer, chiếm tỷ lệ 8,92%. Toàn tỉnh có 8.941 học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình học ở 3 cấp học, chiếm 86,82%.
100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; có 89,3% hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước hợp vệ sinh; có 88,2% hộ dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 91%.
Tiếp tục đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Kiên Giang phân đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của bà con dân tộc thiểu số tăng 2 lần so với hiện nay; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm từ 1 - 1,5% và giảm 60% số xã không còn đặc biệt khó khăn…