LTS: Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều quy định, kết luận liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong đó phải kể đến, Kết luận 14 ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Quy định 37 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều Đảng viên không được làm ban hành ngày 1/11/2021; Quy định 41 Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ ban hành ngày 3/11/2021… Các quy định, kết luật này một lần nữa chứng tỏ quyết tâm của Đảng ta, bên cạnh chống tham nhũng quyết liệt, mạnh mẽ thì cũng đồng thời tập trung vào phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực đúng như tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”. Qua những quy định trong các văn bản này cho thấy, một mặt Đảng quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực với những cán bộ, Đảng viên vi phạm nhưng một mặt Đảng cũng khuyến khích và bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

VietNamNet đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Trọng Kim, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong về ý nghĩa Quy định 41 của Bộ Chính trị trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Mở đường cho thời kỳ chỉnh đốn Đảng một cách mạnh mẽ 

Trong bối cảnh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng đang được đẩy mạnh, quy định mới của Bộ Chính trị có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ không phải mới nhưng từ trước giờ áp dụng rất ít, năm thì mười họa mới có chuyện miễn nhiệm, còn chuyện từ chức thì hiếm khi.

Vì vậy, Quy định 41 của Bộ Chính trị lần này với những quy định rõ ràng, cụ thể có ý nghĩa rất sâu sắc, đem đến không khí chính trị mới trong toàn Đảng, toàn dân và có thể là một sự mở đường cho thời kỳ chỉnh đốn và đổi mới Đảng một cách mạnh mẽ, chống lại những thói hư tật xấu trong cơ quan công quyền.

Nhưng con đường này ai đi đó mới là vấn đề. Chỉ khi nào con đường mở ra có người đi thì mới có ý nghĩa, còn không ai đi thì chỉ tồn tại lời răn đe ngoài tai.

{keywords}
ĐBQH Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong. Ảnh: Trần Thường

Vì vậy, đi liền với quy định này, đòi hỏi ở mỗi cán bộ, đảng viên tinh thần tự giác, tự nguyện, tự chỉ trích, lòng tự trọng và biết liêm sỉ thì mới thực hiện được. Điều đó phải xuất phát từ lòng trung thực, từ nhân cách lớn của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên trước hết phải tự nhận thấy được ý nghĩa của quy định này để có những nhận thức đúng đắn trong hành xử của mình. 

Còn với những người thiếu rèn luyện, thiếu tu dưỡng và thiếu nhân cách, không đủ bản lĩnh để chiến thắng bản năng của mình, không vượt qua được chính mình; không học tập theo tinh thần, tấm gương của Bác Hồ một cách đích thực thì khó áp dụng quy định này và dĩ nhiên với họ rất khó để nói lời từ chức.

Trong thực tế, có rất nhiều vụ việc ồn ào nhưng có ai từ chức đâu, có người tai không nghe, mắt không nhìn thấy trước những ồn ào liên quan đến chính họ hoặc ngành của họ.

Trong 4 căn cứ để cán bộ từ chức có trường hợp “hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao”. Thực tế vừa qua, có khá nhiều vụ việc lùm xùm, dư luận lên tiếng và cũng đặt vấn đề vị này, vị kia nên từ chức nhưng dường như chưa có trường hợp nào từ chức?

Vấn đề này cũng cần thẳng thắn xem xét đúng bản chất của “ngôn từ”. Nhiều người dùng “từ ngữ” để che giấu bản chất như có việc gì lại xin nghỉ trước tuổi, nghỉ do sức khỏe, vì nguyên nhân khác… mà ít ai nhìn nhận do “không còn đủ uy tín”.

Như vậy thì không giải quyết đúng bản chất của vấn đề cũng như bản chất của một chủ trương. Một chủ trương phải được áp dụng một cách đích thực đúng với những hiện tượng xảy ra trong đời sống xã hội mà cán bộ, đảng viên mắc phải, chứ không phải để dùng ngôn ngữ khác làm biến dạng đi.

Tôi không hoài nghi chủ trương nhưng hoài nghi về cách ứng xử của không ít cán bộ, đảng viên hiện nay. Đôi lúc cái tình cao hơn cái lý, làm cho bản thân chủ trương mất đi uy lực của nó và làm giảm uy tín với xã hội.

Đòi hỏi một cuộc cách mạng về tư duy trong bỏ phiếu tín nhiệm

Quy định cũng nêu rõ 1 trong 4 căn cứ để cán bộ từ chức là “có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định”. Lâu nay, việc cho cán bộ từ chức vì tín nhiệm thấp dường như cũng rất hiếm. Theo ông, với quy định rõ ràng như vậy thì liệu sẽ chấm dứt tình trạng bỏ phiếu kiểu “huề cả làng”?

Theo tôi, quan trọng là có chủ trương lấy phiếu, định kỳ như thế nào, đối tượng là ai. Việc này liên quan đến hàng loạt vấn đề. Lấy phiếu có thể ở Quốc hội, ở một tổ chức Đảng, tổ chức chính quyền, địa phương hay một đơn vị nào đó. Khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đòi hỏi phải nâng cao giác ngộ về phẩm chất cán bộ, kể cả người bỏ phiếu.

Nếu “dễ người dễ ta”, “bảo vệ uy tín nháy nháy” trong nội bộ của mình thì làm sao có được những lá phiếu trung thực để mà “có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp” như quy định nêu ra. Cho nên việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng đòi hỏi một cuộc cách mạng về tư duy, một sự trưởng thành của Đảng thì mới bỏ phiếu thực chất được.

Trong quá trình công tác, ông thấy đã có trường hợp nào “từ chức” đúng nghĩa xuất phát từ lòng tự trọng, liêm sỉ của cán bộ như ông nói?

Rất, rất ít. Vừa rồi tôi thấy có trường hợp anh Trịnh Văn Khoa (nguyên thiếu tá, cán bộ Đội điều tra tổng hợp, Công an quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) xin ra khỏi ngành để tố cáo nhóm cán bộ, chiến sĩ Công an quận Đồ Sơn làm sai lệch hồ sơ trong vụ việc có dấu hiệu tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại quán karaoke.

Hoặc một số cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi để nhường ghế lại cho thế hệ trẻ mỗi khi đến kỳ bầu cử như trường hợp ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An.

Trước đây, có trường hợp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đào Đình Bình có đơn từ chức vì đã không làm tròn trách nhiệm Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng kéo dài ở Ban quản lý các dự án 18 (PMU18) và Bộ GTVT.

Tuy nhiên, vụ việc ông Bình nộp đơn từ chức cũng xuất phát từ áp lực của dư luận và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ chứ không hẳn là từ tính tự giác của ông ấy.

Cho nên, để thực hiện được quy định này, như tôi đã nói, đòi hỏi một tinh thần mới của người cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Người không có liêm sỉ sẽ có trăm ngàn lý do để bảo vệ cái ghế

Có thực tế lâu nay, mỗi khi có vụ việc gì xảy ra, dư luận lên tiếng đòi hỏi tinh thần tự giác nhận trách nhiệm bằng việc từ chức, nhưng khá nhiều vị cho rằng không thể từ chức được vì “nhiệm vụ do Đảng và tổ chức phân công”. Vậy với quy định của Đảng lần này, liệu những lời giải thích như vậy có còn được chấp nhận, thưa ông?

Dù không còn cái cớ này thì với người không có liêm sỉ, không có lòng tự trọng, họ sẽ tìm đủ thứ lý do bằng những ngôn từ “hợp tình, hợp lý” để bảo vệ cái ghế của mình.

Ví dụ như có vị 59, 60 tuổi rồi, khi làm nhân sự hỏi ý kiến anh thế nào thì họ lại bảo “tùy ý kiến tổ chức thôi”. Thì đấy cũng là kiểu cán bộ không tự giác. Khi cán bộ đã không có liêm sỉ, ít ai thấy được khuyết điểm để mà “cởi áo từ quan”.

Một con người không tự mình thấy khuyết điểm thì khó làm cho tổ chức tốt lên, làm cho sức mạnh của tập thể đó mạnh được. Chỉ khi nào có tinh thần tự trọng, tự nguyện, tự giác thì mọi việc mới trở về tính chân thật của nó.

Cho nên trong lời di chúc của Bác Hồ có nói: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Chúng ta phải đi vào bản chất của chữ “thật”, trở về với bản chất của chữ “thật” như lời Bác nói.

Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều ĐBQH đã không ít lần đề nghị xây dựng “văn hóa từ chức” nhưng nhìn chung đến nay, câu chuyện từ chức vẫn còn “lạ lẫm” trên thực tế. Vậy theo ông, làm sao để xây dựng "văn hóa từ chức" đúng nghĩa?

Bên Nhật gãy 1 cây cầu thì ông Bộ trưởng Giao thông tự giác từ chức luôn dù cây cầu đó không phải do ông ấy thiết kế, xây dựng. Còn ở mình rất nhiều vụ lớn hơn thế vẫn không thấy ai từ chức.

{keywords}
Ông Trần Văn Nam xin thôi nhiệm vụ vì lý do sức khỏe. Ngày 27/7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với ông Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. 

Vì vậy, theo tôi, để Quy định 41 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, tạo nên một “văn hóa từ chức” như nhiều người mong đợi thì cần tạo ra một sự chuyển biến về ý thức, trách nhiệm, nhân cách, đạo đức của một con người thì mới làm được.

Tức là cán bộ phải đủ bản lĩnh chiến thắng bản thân thì mới thực hiện được; còn chưa rèn được những lớp người như thế thì khó có “văn hóa từ chức”.

Ngoài ra, những cơ quan thực thi nhiệm vụ phải nhận diện đúng bản chất của vấn đề xảy ra, không có quanh co, tạo điều kiện cho cán bộ né tránh. Ví dụ như cán bộ sai phạm mà lại gửi đơn xin thôi nhiệm vụ vì lý do sức khỏe như trường hợp ông cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam vừa rồi thì làm sao ai chấp nhận được. Tổ chức mà đồng ý với những trường hợp như vậy thì quá dễ dãi.

Cán bộ đừng mãi viện lý do này, lý do kia mà phải trung thực thì quy định về từ chức mới đi vào cuộc sống được. Cả những người làm nhiệm vụ cũng phải nhận thức đúng về sự thật khách quan, chứ không riêng người có khuyết điểm. Những người xung quanh cũng phải thay đổi nhận thức. Tức là đòi hỏi nhận thức từ “ba bên, bốn bề” để xây dựng nên “văn hóa từ chức” chứ không riêng gì cá nhân cán bộ nào.

Thu Hằng - Trần Thường (thực hiện)

Bài 4: Bước tiến mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng qua 3 quy định mới ban hành

Bộ Chính trị quy định: Cho từ chức cán bộ năng lực hạn chế, không còn đủ uy tín

Bộ Chính trị quy định: Cho từ chức cán bộ năng lực hạn chế, không còn đủ uy tín

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.