Hiện nay, một số người sợ ăn tiết canh lợn nhiễm vi khuẩn liên cầu nên chuyển sang tiết canh các loài động vật khác. Do đó, nhiều địa phương đã ghi nhận các vụ ngộ độc do ăn tiết canh bê, ngựa. Gần đây nhất, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, đã cấp cứu cho 8 bệnh nhân bị đau bụng, tiêu chảy, nôn ói sau khi ăn tiết canh bê.
Theo Phó giáo sư Trịnh Thị Ngọc, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tiết canh là thực phẩm nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm lớn nhất. Nhiều người có quan niệm ăn tiết canh mát, bổ, giàu dinh dưỡng. Đây là quan điểm sai lầm bởi tiết canh không bổ mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
Người ăn có thể bị ngộ độc cấp gây tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, mất nước, nhiễm trùng đường tiêu hóa. Nghiêm trọng hơn, họ còn có thể nhiễm liên cầu lợn (Streptococus suis). Đây là bệnh lý thường gặp ở các khoa truyền nhiễm. Bệnh dẫn đến viêm màng não, hoại tử da, suy đa tạng... có thể dẫn tới sốc nhiễm khuẩn, tụt huyết áp, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời.
Tiết canh động vật mang rất nhiều mầm bệnh. Một số nghiên cứu cho thấy, khi soi tiết động vật dưới kính hiển vi, các nhà khoa học phát hiện hàng triệu loại vi sinh vật trú ngụ trong đó. Đặc biệt, các vật nuôi như lợn, gà, vịt... đang bị nhiễm bệnh thì tiết càng nguy hiểm. Về lâu dài, tiết canh còn là thủ phạm gây ra nhiều bệnh lý do ký sinh trùng, đặc biệt là sán.
Lưu ý, việc ăn tiết canh các loại động vật do chính gia đình nuôi cũng không đảm bảo an toàn. Bởi con vật cũng có thể ăn các loại rau có chứa ấu trùng trứng giun, sán và nhiễm vi khuẩn gây bệnh.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo để an toàn cho sức khỏe, người dân cần từ bỏ ngay thói quen ăn tiết canh. Khi chế biến thực phẩm, người dân lưu ý không nên ăn các món tái, sống. Không để chung đồ ăn chín lẫn với đồ sống. Bảo quản thực phẩm phải có lồng bàn che đậy, tránh vi sinh vật, ruồi nhặng xâm nhập.