Mời quý độc giả theo dõi video:

Sóc Trăng là địa phương có người dân tộc Khmer sinh sống đông nhất tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 31,5% trên tổng số 1,4 triệu người Khmer.

Du khách đến đây muốn tìm hiểu về đời sống văn hóa của người dân Khmer có thể ghé thăm Nhà trưng bày văn hóa Khmer. Công trình được khởi công xây dựng vào năm 1936 và khánh thành năm 1941 với tên gọi Hội Samacum, là nơi hội họp của đồng bào sư sãi Khmer Nam Bộ.

Từ năm 1986, Sở Văn hóa, Thể thao Hậu Giang tiếp nhận nơi này làm Nhà truyền thống Khmer.

Đến năm 1992, khi được chia tách thành tỉnh Sóc Trăng (từ tỉnh Hậu Giang cũ), Nhà truyền thống Khmer được nâng cấp lên thành Bảo tàng văn hoá Khmer. Đến khi sáp nhập với Bảo tàng tỉnh, Nhà truyền thống có tên gọi Nhà trưng bày văn hoá Khmer Sóc Trăng.

Toàn thể khuôn viên Bảo tàng văn hóa Khmer rộng 2.344m2. Riêng nhà trưng bày hiện vật rộng 368m2, là nơi lưu giữ tổng hợp các hiện vật sinh động và đa dạng về đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất, sinh hoạt của cả dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Ở đây lưu giữ khoảng 13 ngàn hiện vật có giá trị. Đặc biệt, hơn 50% hiện vật là do đồng bào Khmer hiến tặng nên sản phẩm vô cùng đa dạng. Từ các nông cụ thủ công đơn sơ như: vòng gặt lúa, nọc cấy và chuôi vòng gặt được làm bằng chất liệu sừng và trang trí hình học và hình mỏ chim, cày, bừa, trục đến mô hình nhà ở kiểu nhà sàn và những mô hình lao động sản xuất xưa của người Khmer như: làm mộc, làm đồng, dệt vải, dệt chiếu… và cả những bộ trang phục truyền thống.  

Bên cạnh các hiện vật gắn liền với đời sống sản xuất, sinh hoạt, tôn giáo... Bảo tàng còn tái hiện mô hình sân khấu rô băm, dù kê – hai loại hình nghệ thuật trình diễn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. 

Sân khấu rô băm là loại hình cổ nhất còn lưu giữ được, sử dụng ngôn ngữ múa là chính nên còn gọi là nghệ thuật kịch múa.

Hai mô hình sân khấu này được thiết kế công phu giúp du khách biết thêm về nghệ thuật sân khấu của người Khmer Nam Bộ. Những chất liệu này đã kết tạo nên một bản sắc văn hoá riêng biệt.

Hàng năm, Bảo tàng Sóc Trăng thu hút gần 200.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu nét đẹp văn hoá lịch sử, truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer qua các thời kỳ.

Quỳnh Nga - Xuân Quý