Đây là chuỗi hoạt động ý nghĩa của ngành xuất bản, đồng thời công bố quyết định của Thủ tướng về tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

3 mục tiêu quan trọng của ngành xuất bản thông qua hội sách

Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ nhất diễn ra từ ngày 19 - 24/4 tại các khu vực quận, huyện trên địa bàn TP.HCM với nhiều hoạt động đặc sắc để hiện thực hóa mục tiêu "chấn hưng văn hoá và phát triển văn hoá đọc" trong nhân dân. Sự kiện dịp này có sự tham gia của gần 20 đơn vị nhà xuất bản, phát hành, truyền thông trên cả nước.

Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM và Ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. 

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh về vai trò của sách cũng như ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa đọc trong công cuộc đổi mới của xã hội hiện nay. Thông qua chương trình, ông mong muốn thực hiện và lan tỏa 3 mục tiêu quan trọng của toàn ngành xuất bản.

Thứ nhất, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập.

Thứ hai, tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Mục tiêu cuối cùng là nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

“Việc tổ chức Lễ khai mạc, Hội sách TP.HCM và Hội sách trực tuyến năm nay còn là dịp khẳng định những bước phát triển xuất bản và văn hóa đọc của thành phố mang tên Bác cũng như cả nước; khẳng định xu hướng chuyển động mạnh mẽ của ngành xuất bản trước yêu cầu chuyển đổi số”, ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên và các đại biểu trải nghiệm không gian sách trưng bày. 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề nghị các cơ quan ban ngành, đoàn thể phối hợp cùng các cơ quan báo chí, truyền thông chủ động trong công tác tuyên truyền sự kiện. Qua đó, tạo sự lan tỏa và kết nối với bạn đọc trên toàn quốc vì mục tiêu thúc đẩy ngành xuất bản.

Theo ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành, ban tổ chức chọn TP.HCM cho ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 1 vì ngoài Hà Nội, nơi đây là trung tâm phát triển về ngành sách và văn hóa đọc của cả nước. Ngoài ra, thành phố đang từng bước hồi phục, phát triển ngành sách sau hơn một năm bị trì trệ ảnh hưởng vì Covid-19. Chuỗi hoạt động được kỳ vọng sẽ cổ vũ, động viên ngành xuất bản, tạo ra những bước chuyển mới về văn hóa đọc.

Lan tỏa văn hóa đọc đến giới trẻ 

Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết sự kiện là cơ hội để thành phố chia sẻ, quảng bá, lan tỏa các hoạt động văn hóa đọc. Mục tiêu chung là hướng đến hình thành một xã hội học tập, tạo lập thói quen tự học nơi mọi công dân nhất là giới trẻ - những người chủ tương lai của thành phố.

Sự kiện hội sách chính được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ.

Đại diện lãnh đạo thành phố nhấn mạnh hội Sách tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ được xem là sự kiện chính. Sân khấu trải dài hàng trăm mét được thiết kế với tinh thần dân gian pha trộn yếu tố hiện đại. Những không gian đậm chất Nam bộ với mái hiên, lũy tre, các lớp học với thầy đồ - con trẻ, các mô hình làm tò he, hát cải lương,… nhằm giúp bạn đọc có không gian trải nghiệm đa dạng.

Hội Sách được thiết kế theo 3 không gian: không gian "Chuyển đổi số", không gian "Thành phố sách" và không gian giới thiệu các mô hình văn hoá đọc như tủ sách cơ quan, tủ sách doanh nghiệp, thư viện thông minh…

Trong đó, không gian "Chuyển đổi số" sẽ trưng bày, giới thiệu mô hình sách nói, sách điện tử, những giải pháp, không gian trải nghiệm về sách gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo. Còn không gian "Thành phố sách" ngoài việc trưng bày và giới thiệu sách từ kinh tế, chính trị, văn hóa đến kỹ năng sống, còn có các buổi giao lưu với tác giả, tọa đàm chuyên đề về sách, chương trình văn nghệ. Dịp này, các đầu sách quý, tư liệu hiếm từ Thư viện TP.HCM cũng được trưng bày để công chúng thuận tiện tham khảo.

Những hoạt động giới thiệu các tựa sách hay, bổ ích đa dạng về nhiều thể loại, phong phú với nhiều chủ đề; Các chương trình giao lưu với tác giả,tọa đàm ; giao lưu văn hóa nghệ thuật, âm nhạc ;trình diễn các bài hát trong phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nghệ thuật…

Hội sách thu hút đông người dân với các hoạt động văn hóa đa dạng. 

Ngoài sự kiện và không gian chính tại Hội sách Nguyễn Huệ, nhiều địa điểm tại TP.HCM sẽ có các hoạt động hưởng ứng. Trong đó phải kể đến Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1) tổ chức trưng bày gần 700 tựa sách thuộc Tủ sách dành cho con trong gia đình nhằm giới thiệu đến các gia đình tủ sách phù hợp với ngân sách, sở thích, sách được gợi ý theo từng chủ đề giúp phụ huynh dễ dàng chọn mua cho con và các thành viên trong gia đình. Ban tổ chức cũng tổ chức những gian hàng trải nghiệm các trò chơi văn hóa dân gian, tương tác với bạn đọc nhí và các gia đình vào ngày cuối tuần.

21 quận, huyện và TP Thủ Đức cũng có nhiều không gian, hoạt động hòa chung không khí Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất. Các chương trình sẽ được kéo dài đến hết tháng 4.

Tuấn Chiêu

Sách nói không thể thiếu của Văn hóa đọcĐại diện các cơ quan quản lý khẳng định sách nói là một phần không thể thiếu của văn hóa đọc. Tuy nhiên, khác với sách truyền thống, loại hình này cần có chiến lược riêng, đảm bảo phát triển lâu dài, bền vững trong tương lai.