Vùng Đông Nam bộ với diện tích 23.600km2, dân số hơn 18 triệu người, là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong cả nước về đổi mới và phát triển, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế (32% GDP), số thu ngân sách (44,7% số thu cả nước), xuất khẩu và giải quyết việc làm của cả nước.
Khu vực kinh tế tư nhân ở vùng Đông Nam bộ phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI của cả nước. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và của cả nước.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Trần Văn Mi- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, thời gian qua, tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ kết nối cung - cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp gặp gỡ, tìm hiểu, ký kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ, tư vấn và tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa của tỉnh Bình Phước đi vào hệ thống các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích của Thành phố Hồ Chí Minh được phối hợp thực hiện tốt và đạt nhiều kết quả đầy khả quan.
Đến nay, Bình Phước có 206 dự án của các nhà đầu tư đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, với số vốn đăng ký là 19.739 tỷ đồng; có 2 siêu thị Co.op Mart tại thành phố Đồng Xoài và huyện Đồng Phú, có 71 cửa hàng tiện ích Bách Hóa Xanh trên 11 huyện, thị xã, thành phố của Bình Phước đã và đang phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Bình Phước cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 110 km, có vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế Đông - Tây, là cầu nối giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam bộ, đồng bằng Sông Cửu Long với Tây Nguyên; tỉnh còn là cửa ngõ giao thương hợp tác trong khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Với lợi thế về đất đai rộng lớn, khí hậu ôn hòa, địa hình khá bằng phẳng, giao thông thuận lợi, Bình Phước luôn sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, Bình Phước có 15 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có 13 KCN với diện tích 6.065 ha, đang thu hút đầu tư với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 68%. Theo Quy hoạch tỉnh đã được các Bộ ngành trung ương thẩm định thì đến năm 2030 tổng diện tích đất khu công nghiệp của tỉnh là khoảng 10.000 ha, trong đó có các KCN Đông Nam Đồng Phú với diện tích 4.200 ha, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với các lợi thế như trên, "Bình Phước đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tỉnh Bình Phước kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh Bình Phước đang quan tâm thu hút, như: Hạ tầng khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí, các dự án công nghiệp chế biến, logistics, công nghệ thông tin, công nghệ cao. Đồng thời mời gọi các doanh nghiệp đến từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ hợp tác, kết nối giao thương với các doanh nghiệp tỉnh Bình Phước trong những lĩnh vực mà các bên có thế mạnh", đại diện tỉnh Bình Phước cho biết.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, phân phối Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương đã thảo luận nhiều vấn đề trong phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu, khâu phân phối...
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, trong quá trình phát triển, TP. Hồ Chí Minh không thể tách rời với các địa phương trong khu vực, mối quan hệ hỗ trợ cùng nhau phát triển.
Các tỉnh, thành lân cận là vùng nguyên liệu quan trọng, là vùng cung cấp nhân lực vào quá trình phát triển của TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để tháo gỡ những khó khăn trên thì doanh nghiệp cần phải chủ động hơn trong quảng bá sản phẩm, tham gia các sàn giao dịch điện tử… Chính quyền các địa phương cần tham gia vào công tác đào tạo cho doanh nghiệp về kiến thức thị trường, quản lý… giúp các đơn vị, doanh nghiệp có được kiến thức mới nhất để đáp ứng tiêu chí của thị trường hiện nay.
Đặc biệt, mỗi địa phương cần có một địa điểm, gian hàng để bán, trưng bày các sản phẩm đạt chất lượng Ocop, hàng Việt Nam chất lượng cao… của các doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương; đồng thời tạo sàn giao dịch, địa chỉ kết nối cho các nhà sản xuất liên kết để phát triển lớn mạnh hơn. Sản phẩm của các địa phương phải đảm bảo đủ chất và lượng, thời gian… để không ảnh hưởng đến sản phẩm kinh doanh, thương hiệu của doanh nghiệp, hợp tác xã…
Theo ông Hoan, thời gian tới các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp trong vùng cần đẩy mạnh hơn nữa kết nối giao thương, nắm bắt nhu cầu về chuyển đổi xanh để có chiến lược kinh doanh phù hợp.
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng các vùng nguyên liệu, trung tâm chế biến và hệ thống bảo quản sản phẩm tại các địa phương, nhằm chủ động về nguồn cung; ưu tiên phân phối, tiêu thụ sản phẩm nội địa, những sản phẩm đặc trưng của địa phương trong vùng.
"Cùng với việc nâng cao trách nhiệm chia sẻ thông tin về thị trường cho doanh nghiệp, địa phương trong vùng, Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu tạo một không gian riêng tại thành phố để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong vùng, ưu tiên các sản phẩm "xanh", "sạch", đặc trưng", ông Võ Văn Hoan thông tin.
Tại hội nghị 33 đơn vị doanh nghiệp phân phối TP. Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác với doanh nghiệp các tỉnh vùng Đông Nam Bộ liên quan đến lĩnh vực: nông sản chủ lực của mỗi địa phương, du lịch, văn hóa....
Phước Long