Đây là số liệu mới nhất của hãng nghiên cứu Counterpoint Research về thị trường smartphone Việt Nam quý II. Theo đó, doanh số smartphone nước ta giảm 1% so với cùng kỳ năm 2021 xuống 3,2 triệu máy. Counterpoint nhận định kết quả phản ánh tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, áp lực lạm phát vừa phải và người dùng tăng cường chi tiêu khi thị trường hồi phục.
Theo Counterpoint, người Việt chủ yếu mua smartphone qua các kênh offline. Vì thế, các nhà sản xuất đẩy mạnh cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.
Biến động doanh số của các thương hiệu smartphone tại Việt Nam từ quý II/2021 đến quý II/2022. (Ảnh: Counterpoint) |
Có sự phân hóa giữa các phân khúc smartphone. Nếu nhu cầu thiết bị bình dân gần như không đổi, phân khúc smartphone cao cấp (trên 400 USD) lại ghi nhận tăng trưởng mạnh, dẫn đầu là iPhone 11, iPhone 13 Pro Max và Galaxy S.
Trong số các hãng smartphone, Apple nổi lên như một hiện tượng với mức tăng trưởng lên tới 115% theo năm, hãng đang tăng cường hiện diện tại Việt Nam thông qua các nhà phân phối chính hãng, giúp mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng. Counterpoint nhận định Việt Nam là một trong các thị trường lớn của “táo khuyết” tại Đông Nam Á.
Samsung tăng trưởng 3% do vật lộn với hàng tồn kho và cắt giảm sản lượng. Nhờ các thiết bị từ giá rẻ tới tầm trung dòng A và M, công ty Hàn Quốc vẫn duy trì được thị phần của mình. Dòng S cao cấp nằm trong số các máy bán chạy nhất trong quý II.
Oppo là thương hiệu di động Trung Quốc duy nhất tăng trưởng dương với mức tăng 25%. Các mẫu máy tầm trung của Oppo được người dùng đón nhận. Song, Xiaomi, vivo và realme đều đi lùi do lượng hàng tồn kho lớn.
6 tháng còn lại, Counterpoint dự đoán nhu cầu nội địa sẽ hồi phục trong quý IV do Apple ra mắt iPhone mới và cận Tết.
Du Lam (Theo Counterpoint)
Apple cho người dùng tự sửa MacBook Pro và MacBook Air M1
Sau iPhone, chương trình sửa máy tại gia của Apple nay áp dụng cho cả MacBook Air và MacBook Pro dùng chip M1.