Apple vừa chính thức trình làng một sản phẩm mới với công thức quen thuộc: giá bán cao hơn nhiều so với đối thủ. Mặc dù biết sản phẩm Apple chưa bao giờ rẻ, khi “Táo khuyết” thông báo mức giá lên đến 549 USD cho mẫu tai nghe trùm dầu AirPods Max, nhiều fan trung thành nhất của hãng cũng phải giật mình. Đã có người đặt câu hỏi: “Liệu có nhầm lẫn gì ở đây không?”
Apple vừa công bố tai nghe AirPods Max với giá tương đương một chiếc iPhone. Ảnh: Apple. |
Tuy nhiên, có một thực tế là Apple không phải công ty duy nhất liên tục tăng giá sản phẩm trong thời gian qua. Và mặc dù liên tục phàn nàn, vẫn có không ít người sẵn sàng chi tiền để mua các sản phẩm đắt đỏ đó. Giá của các sản phẩm điện tử tiêu dùng, đặc biệt là smartphone, máy tính, thậm chí phụ kiện đang tăng rất mạnh. Vậy, chúng ta đang phải trả tiền cho những giá trị gì ở phần tăng thêm đó?
Gánh nặng sản xuất
Về cơ bản, sản xuất những thiết bị điện tử tiêu dùng như smartphone hay headphone hiện nay không còn quá khó khăn. Với nguồn cung vô tận từ Trung Quốc, bất cứ ai cũng có thể đứng lên, tự lắp ráp những chiếc smartphone mang thương hiệu của riêng mình với những công nghệ hiện đại bậc nhất.
Tuy nhiên, ngay cả trong thời kỳ mà linh kiện sản phẩm có thể mua ngoài chơ như bó rau, lắp ghép như LEGO, ở góc độ nào đó, người dùng vẫn chỉ ưa chuộng các sản phẩm từ Apple, Samsung, Lenovo hay Micrsoft.
Giá bán lẻ một sản phẩm tất nhiên lớn hơn nhiều so với việc cộng giá linh kiện lại. Người dùng sẽ dễ dàng tìm thấy các báo cáo đọc vanh vách từng hạng mục giá linh kiện (giá BoM – Bill of Materials) của một chiếc smartphone, smartwatch hoặc laptop. Họ cũng chẳng ngạc nhiên khi biết một chiếc Galaxy Note 20 giá 1.200 USD có giá linh kiện chỉ 549 USD hay iPhone 12 Pro 999 USD có giá linh kiện 593 USD.
Còn có rất nhiều “chi phí ngầm” khi phát triển một sản phẩm, từ lắp ráp cho đến vận chuyển và bán lẻ. Tất nhiên, không thể không kể đến phần chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D), vốn ngốn một khoản cực lớn của mọi nhà sản xuất lớn. Tuy nhiên, tất cả chi phí đó cộng lại vẫn không thể chiếm đến một nửa giá bán sản phẩm.
Phí hệ thống
Ngoài phí linh kiện, sản xuất, nghiên cứu phát triển, bạn còn phải trả cho một thứ gọi là “phí hệ thống” - gồm cả một hệ sinh thái của nhiều ngành hàng kết hợp với nhau để tạo ra sản phẩm đó. Vì sao bạn yêu thích một sản phẩm này hơn sản phẩm khác? Bạn đang trả tiền cho việc phát triển ra sản phẩm đó và một giá trị vô hình được đảm bảo một cách rõ ràng bởi thương hiệu của sản phẩm đó.
Chi phí linh kiện cho iPhone 12 Pro gần 600 USD nhưng sản phẩm này được bán với giá 999 USD. Người dùng buộc phải trả thêm cho nhiều "chi phí mềm" khác. Ảnh: Gadgets. |
Thật không may, những giá trị này vô cùng khó định lượng. Và nó trở thành lý do hoàn hảo để một sản phẩm được định giá gấp đôi phí linh kiện. Đã có những câu hỏi đặt ra về việc “phí hệ thống” cho một sản phẩm thực sự là bao nhiêu và có nên đặt gánh nặng đó lên vai người tiêu dùng hay không. Ngoài ra, nếu đã có luật và các tiêu chuẩn công nghiệp được thiết lập, người dùng có phải trả thêm phí cho những tính năng cơ bản của một sản phẩm hay không?
Đó là chưa kể đến việc có hay không hoạt động “nghiên cứu và phát triển” cho một số sản phẩm nhất định. Khi khoảng cách về giá sản xuất và giá bán lẻ của các sản phẩm công nghệ đang ngày càng nới rộng, chắc chắn phải có một điểm dừng nào đó. Đáng tiếc, chúng ta hoàn toàn mù mờ về việc điểm dừng đó ở đâu?
Phí của sự đòi hỏi
Nghe có vẻ vô lý nhưng đây lại là sự thật. Người dùng luôn mong muốn các sản phẩm tốt hơn nữa qua mỗi năm. Khi đó, nhiệm vụ của các công ty công nghệ là tạo ra sản phẩm (và định giá chúng) đáp ứng mong muốn của người dùng.
Luôn có những thời điểm trong lịch sử khi thị trường phát sốt với những sản phẩm được xem là “phá giá thị trường”. Tuy nhiên, sau một thời gian, hầu hết mọi thứ lại quay về sự bình ổn như nó vốn phải có. OnePlus hay Xiaomi đã cố làm điều đó trên thị trường di động. Tuy nhiên, bản thân họ phải thừa nhận không đủ sức cạnh tranh nếu không tăng giá sản phẩm.
Cũng từ đó, thị trường tạo ra một cái vòng luẩn quẩn. Khi giá sản phẩm tăng cao, người dùng có xu hướng giữ sản phẩm cũ của họ lâu hơn. Điều này, ngược lại, làm giảm lợi nhuận của nhà sản xuất, buộc họ phải tăng giá sản phẩm đề bù đắp cho doanh số thiếu hụt.
Theo Zing
Forbes: Chiếc tai nghe 549 USD của Apple như cú tát vào người dùng
Mức giá cao hơn cả một chiếc iPhone của AirPods Max thực sự không hợp lý trong năm 2020.