Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt vở Huyền thoại Gò Rồng Ấp, kịch bản của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ dựa trên những huyền tích dân gian về sự ra đời của Lý Công Uẩn – vị Hoàng đế khai quốc của triều Lý, một trong những triều đại phong kiến phát triển rực rỡ bậc nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Vở diễn do Hoàng Song Việt chuyển thể cải lương, NSND Triệu Trung Kiên đạo diễn.
Huyền thoại Gò Rồng Ấp chọn bối cảnh giai đoạn đất nước vừa qua thời loạn 12 sứ quân, trong ranh giới nhỏ hẹp vùng Hoa Lư của vua Đinh Tiên Hoàng, để rồi sau đó có cuộc vươn mình xuất hiện của triều Lý. Theo đó, vở diễn xoay quanh hình tượng trung tâm là Phạm Thị Ngà, người con gái ở xóm Long Châu, hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, vốn là người giúp việc ở chùa Tiêu - nơi sư Vạn Hạnh trụ trì.
Thị Ngà mồ côi cha mẹ, phần mộ bố mẹ cô được hai anh em sư Vạn Hạnh và Khánh Văn đưa đến táng ở Gò Rồng Ấp, nơi tương truyền có huyệt đất thiêng. Một hôm, Thị Ngà đi qua lễ hội Nõ - Nường, lễ hội dân gian đậm tính phồn thực của người Việt cổ. Bỗng trời đất giao hòa, âm dương giao cảm, Thị Ngà trở về thấy trong người khác lạ, biết đã mang thai. Thiền sư Thiền Ông, sư phụ của Vạn Hạnh vốn có tài thông thiên đã viết một bài kệ tiên tri ngụ ý tháng 10 năm Kỷ Dậu, tức 36 năm sau, một triều đại lẫy lừng sẽ hiển hiện, đó là triều Lý. Gò Rồng Ấp là nơi phát mệnh đế vương, hiện có mộ phần gia tiên họ Phạm nên con cháu nhà ấy ắt làm nên nghiệp lớn...
Biết chuyện, một phú hộ cùng hương Diên Uẩn có lòng tham vô độ đã bốc mả cha mình lên táng ở Gò Rồng Ấp với hy vọng người trong họ sẽ làm nên nghiệp đế, đồng thời tìm mọi cách hãm hại Thị Ngà cùng bào thai trong bụng. Nhận được sự giúp đỡ, Thị Ngà may mắn vượt qua kiếp nạn, sinh con trước cổng chùa Cổ Pháp - nơi sư Khánh Văn trụ trì, sau đó qua đời. Ðứa bé được sư Khánh Văn mang về nuôi nấng, đó là Lý Công Uẩn, sau này trở thành hoàng đế triều Lý, tạo dựng kinh đô Thăng Long nghìn năm rực rỡ.
Vở diễn đã phác họa không gian đậm màu huyền sử của nền văn minh châu thổ sông Hồng với những phong tục tập quán đặc sắc của người Việt cổ cùng tín ngưỡng phồn thực bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo dân tộc. Vở diễn truyền thông điệp sâu sắc: Cõi đất, khoảng trời nước Nam là nơi địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ linh khí ngàn đời để sản sinh những vĩ nhân mang thiên mệnh làm rạng danh nòi giống, tổ tiên. Bên cạnh tôn vinh giá trị lịch sử, vở diễn cũng làm sáng bừng vẻ đẹp của tình mẫu tử, khẳng định cái ác, cái xấu sẽ luôn phải lùi bước trước cái chân, cái thiện, lòng nhân ái và tình yêu thương vô bờ bến...
NSND Triệu Trung Kiên từng dựng kịch bản này trên sân khấu kịch nói nhưng đạo diễn bảo mỗi bản mang lại cho anh những hứng khởi và thú vị riêng. Tất nhiên, với thế mạnh là cải lương, NSND Trung Kiên có nhiều đất và mảng miếng để tung tẩy hơn.
"Với bản kịch nói, tôi dựng theo phương pháp tả ý, diễn xuất của các nghệ sĩ theo phong cách biểu hiện. Còn với cải lương, tôi khai thác nhiều hơn khía cạnh biểu diễn tâm lý. Quá trình biểu đạt tâm lý gần với sự thật để câu chuyện dẫu huyền thoại cũng phải rất gần gũi, để khán giả cảm nhận một cách tự nhiên, không phải cái gì quá mơ hồ, xa rời với đời sống đương đại. Bản cải lương tôi được tung tẩy nhiểu hơn để mang tới khán giả một tác phẩm ca kịch nhiều yếu tố đương đại", NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ.
NSND Trung Kiên cho rằng, sự mới mẻ của vở kịch này không chỉ ở nội dung mà còn ở hình thức thể hiện. Cách bài trí sân khấu của NSND Doãn Bằng, xử lý âm nhạc của NSND Anh Tú, cách xây dựng hình tượng nhân vật và phân tuyến nhân vật rất mới mẻ, hiện đại.
Ở đây, có sự phối hợp giữa phương pháp biểu hiện và thể nghiệm, kết hợp giữa nghệ thuật phương Đông và phương Tây. Trong quá trình biểu diễn, từ phong cách hát, đến phục trang, ngôn ngữ hình thể đã tạo nên những hình tượng nhân vật mang tính tương phản rõ nét. Một bên là cái thiện, một bên cái ác, một bên là nhân văn, một bên là tính quỷ.
PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ hài lòng với cả hai bản diễn kịch nói và cải lương do NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng. Một kịch văn học hóa thân trong 2 loại hình nghệ thuật: kịch nói (nhiều yếu tố sân khấu hiện đại) và cải lương (sân khấu dân tộc) nhưng đều thể hiện được nội dung tư tưởng và ý đồ của tác giả như thông điệp tư tưởng, yếu tố văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh. Mỗi bản diễn đều có sức hấp dẫn riêng bởi ngôn ngữ nghệ thuật của từng loại hình. "Phải nói tới sự đổi mới hình thức thể hiện đã tạo nên sự tươi mới cho từng tác phẩm cũng như góc nhìn chiều từ một kịch bản văn học", ông Kỷ nói.
NSND Vương Hà bày tỏ sự cảm phục ê kíp sáng tạo nên tác phẩm này. "Tôi cũng rất hài lòng với dàn diễn viên tham gia vở. Những vai chính như đào thương của Minh Nguyệt (vai Phạm Thị Ngà), kép của NSƯT Trần Quang Khải (vai Thiền sư Vạn Hạnh) các bạn hát và diễn rất tuyệt vời. Bất ngờ hơn là những gương mặt diễn viên lâu nay vắng bóng hoặc mới xuất hiện cũng đã tạo ấn tượng rất tốt như Ngọc Linh vai Thị Nhài, con gái Phú hộ, Lệ Hằng vai cụ Cố, Thiên Kiều vai bà Phú hộ, Xuân Thông vai Phú hộ...", NSND Vương Hà chia sẻ.
Trích đoạn trong vở Cải lương 'Huyền thoại Gò Rồng Ấp'