Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Nằm ở vùng Đông Bắc của Quảng Ninh, huyện Hải Hà có tổng diện tích tự nhiên 69.013ha, có 35km đường bờ biển và 17,2km đường biên giới trên bộ giáp với Trung Quốc. 

Hải Hà có tài nguyên thiên nhiên phong phú, hội tụ từ địa hình gồm đồng bằng, miền núi và hải đảo, là địa phương có vị trí trọng yếu về chính trị, kinh tế và quốc phòng - an ninh của tỉnh. 

a11111.jpeg
Một góc KCN Cảng biển Hải Hà

Huyện Hải Hà có cửa khẩu Bắc Phong Sinh thông thương với Khu Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), KCN Cảng biển Hải Hà kết nối với KKT Vân Đồn và KKT Cửa khẩu Móng Cái (2 mũi đột phá của tỉnh) đã và đang mang đến nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển KT-XH của địa phương.

Ngày 29/8/2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2001/NĐ-CP chia huyện Quảng Hà thành 2 huyện Hải Hà và Đầm Hà. 

Tại thời điểm chia tách, huyện Hải Hà đối diện với rất nhiều khó khăn khi là địa phương thuần nông, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông, lâm, ngư nghiệp chiếm trên 80%, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm chỉ đạt 3-5%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 18%. 

Kết thúc chặng đường 10 năm đầu, huyện Hải Hà đã ghi dấu ấn tăng trưởng kinh tế gần 4 lần. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,74%; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. 

Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Hải Hà đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng Nhất. 

a2222.jpeg
Huyện Hải Hà phát triển vùng chè chất lượng cao

Giai đoạn 2011-2021, Đảng bộ huyện Hải Hà đã đưa ra quyết sách mới, mục tiêu lớn, đột phá, đưa Hải Hà vươn mình mạnh mẽ, phát triển sôi động theo hướng công nghiệp - dịch vụ. 

Huyện đã vận dụng linh hoạt hệ thống cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hoàn thành quy hoạch xây dựng vùng huyện Hải Hà đến năm 2040, tầm nhìn 2050 và công bố các quy hoạch mang tính định hướng chiến lược cho sự phát triển. 

Hải Hà đã thành công trong mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp chiến lược đầu tư vào KCN Cảng biển Hải Hà. Phát triển thương mại, dịch vụ, khai thác lợi thế KKT Cửa khẩu Móng Cái, KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh để tạo thế bứt phá trong phát triển KT-XH của địa phương. 

Kết thúc giai đoạn này, bức tranh KT-XH của Hải Hà đã có nhiều khởi sắc. Mức tăng trưởng kinh tế của huyện bình quân hằng năm đạt 26,18%. Thu ngân sách tăng bình quân 13,68% mỗi năm. 

a333333.jpeg
Đổi thay trên huyện miền núi Hải Hà

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ, công nghiệp - xây dựng chiếm 71,7%, thương mại - dịch vụ chiếm 24%, nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 4,3%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 87,8 triệu đồng, tăng gấp 16 lần so với năm 2001. An sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện rõ rệt.

Theo đó, KCN Cảng biển Hải Hà đến nay đã trở thành trung tâm công nghiệp dệt may khu vực miền Đông của tỉnh, đã thu hút 19 dự án FDI được cấp phép với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt trên 1,4 tỷ USD. 

Trong đó có 16 dự án đầu tư đến từ Nhật Bản, Trung Quốc với tổng giá trị sản xuất trên 7.210 tỷ đồng, sử dụng trên 13.000 lao động với thu nhập ổn định 8-11 triệu đồng/tháng. 

Du lịch tiếp tục là ngành kinh tế trẻ đầy triển vọng của huyện gồm: Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đảo Cái Chiên, cụm đền, chùa Trần Hưng Đạo, cửa khẩu Bắc Phong Sinh. 

Năm 2021, huyện Hải Hà được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đến nay, huyện đã có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Hải Hà được tỉnh đánh giá là điểm sáng về cải thiện các chỉ số cải cách hành chính trong năm 2022, Chỉ số PAR Index và Chỉ số DGI vươn lên xếp vị trí thứ 2/13 địa phương, chỉ số DDCI xếp thứ 4/13 địa phương. Đời sống tinh thần của người dân ngày càng phong phú hơn, dần hình thành chuẩn mực xây dựng và phát triển con người Hải Hà “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện”. 

Hậu phương của trung tâm kết nối Trung Quốc - ASEAN

Hải Hà xác định phát triển trở thành hậu phương của trung tâm kết nối Trung Quốc - ASEAN. 

Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái bao gồm 17 xã, phường của TP Móng Cái và thị trấn Quảng Hà, các xã Quảng Minh, Quảng Thành, Cái Chiên, Quảng Phong của huyện Hải Hà. 

Mô hình KKT gồm 3 hành lang và 2 vùng phát triển động lực là TP Móng Cái và khu đô thị, công nghiệp cảng biển Hải Hà. 

Xây dựng hoàn thiện cảng biển Hải Hà thành động lực phát triển của vùng với quy hoạch hệ thống cảng tổng hợp gồm cảng hàng hóa, hành khách, nghề cá, đáp ứng các loại tàu, thuyền quy mô lớn, có năng lực vận tải cao, gắn với các tuyến hàng hải quốc tế. 

a4444.jpeg
Chi cục Hải quan cửa khẩu Bắc Phong Sinh kiểm tra hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu

Bí thư Huyện ủy Hải Hà Nguyễn Kim Anh cho biết, đứng trước vận hội lớn để nâng tầm vị thế, Đảng bộ huyện Hải Hà tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn, hoạch định các nhiệm vụ trọng tâm để phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. 

Trong đó, tập trung phát triển kinh tế bền vững theo 3 vùng, khai thác lợi thế của tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái để tiếp tục thu hút dòng vốn ngoài ngân sách đầu tư vào những dự án mang tính trọng điểm, chiến lược. 

Nâng cấp cửa khẩu Bắc Phong Sinh là khu kinh tế cửa khẩu cấp quốc gia trên biên giới Việt - Trung. 

“Hải Hà sẽ là một trong những địa phương đi đầu, điển hình trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, phát triển gắn với TP Móng Cái để hình thành vùng đô thị rộng lớn và trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ cảng biển, logistics tuyến phía Đông của tỉnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung đất nước”, Bí thư Huyện ủy Hải Hà Nguyễn Kim Anh thông tin.

a5555.jpeg
Nuôi trồng thủy sản theo hình thức công nghiệp tại xã Quảng Minh, huyện Hải Hà

Hải Hà đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, giữ nhịp đà tăng trưởng bền vững, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, công nghiệp - xây dựng chiếm 66,42%, thương mại - dịch vụ chiếm 29,54%, nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 4,04%. 

Đảm bảo chỉ tiêu thu nội địa tăng bình quân trên 10%/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,56%. 

Phạm Công