Hoạ sĩ Chu Nhật Quang (nghệ danh Chu Quang) sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, ông nội là NSND Chu Mạnh Chấn - hoạ sĩ tài ba có niềm đam mê sâu sắc khôi phục và bảo tồn di sản văn hóa làng quê Bắc Bộ qua nghệ thuật sơn mài; bố là NSƯT Chu Lượng, nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long.

Chu Quang có 5 năm học hội họa tại trường Santa Ana, California, tốt nghiệp cử nhân ngành Thiết kế ứng dụng tại Đại học RMIT, Melbourne (Úc), vì thế tư duy hội hoạ của anh giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.

z5651848011880_b270c9fdc7a34eb70d985f125c71976e 1695x2048.jpeg
Hoạ sĩ Chu Quang miệt mài bên giá vé. 

Thẫm đẫm tinh thần dân tộc trong những bức hoạ

Sống trong gia đình có truyền thống làm sơn mài và rối nước, từ nhỏ Chu Quang đã theo ông và bố đưa xuống xưởng đúc rối. Cậu bé Quang khi đó mê mẩn các linh vật như rùa, rồng, lân, phượng và truyền thuyết liên quan. Vì vậy, các sáng tác sơn mài của anh luôn thể hiện những linh vật và đặc trưng của rối nước.

Sáng tác đầu tiên của Chu Quang chủ yếu là tranh sơn mài tĩnh vật, mô tả các đối tượng quen thuộc như hoa quả, bình gốm và vật dụng gia đình.

Vẽ tĩnh vật là đề tài truyền thống dễ rơi vào lối mòn nhưng Chu Quang gây bất ngờ với sự sáng tạo của mình. Với kỹ thuật tinh tế được thẩm thấu và học hỏi từ ông nội khi khôi phục những bức sơn mài, anh tạo ra những tác phẩm sơn mài tĩnh vật sống động và có chiều sâu. Các bức tranh của anh không chỉ đơn thuần là nghệ thuật mà còn là hành trình khám phá vẻ đẹp tĩnh lặng và bình dị của cuộc sống hàng ngày.

z5659258750725_dcc1da5cf47a3bbe156383b18b6a7355.jpg
Vẽ tĩnh vật là đề tài truyền thống, rất dễ bị đi vào lối mòn nhưng Chu Quang khiến giới thưởng lãm bất ngờ với sự sáng tạo của mình. 

Tác phẩm đầu tiên của Chu Quang - Hoa chuông trong bình gốm - được lấy cảm hứng từ lớp làm gốm. Khi quan sát những tạo hình gốm phi thông thường, anh đã “ghim” ý tưởng vào đầu. Sau một năm miệt mài, anh tạo ra các bức hoạ từ "ký ức" thay vì vẽ tĩnh vật thông thường. Đó cũng là quá trình đánh dấu giai đoạn thử nghiệm sáng tạo của anh với sơn mài.

“Tạo hình hoa chuông trong tác phẩm đã được cách điệu cho tương thích với bình gốm trong ‘ký ức’ của tôi”, hoạ sĩ nói.

z5659269486363_49dfdae9cd1fb151fb4e62a4b062980d.jpg
Hoạ sĩ Chu Quang kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại trong tác phẩm của mình. 

Trong tranh sơn mài phong cảnh, Chu Quang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, mang đến hình ảnh làng quê Bắc Bộ bình dị và sâu lắng. Tác phẩm của anh khiến người xem rung động trước tài năng và tâm huyết của hoạ sĩ trẻ, đồng thời cảm nhận vẻ đẹp tự nhiên của đời sống người Việt.

Sơn mài là phương tiện giúp hoạ sĩ thể hiện thế giới nghệ thuật của họ. Đối với Chu Quang, dù đã thử vẽ màu nước, than chì... chỉ sơn mài mới đáp ứng được cách tạo chất và chơi màu mà anh mong muốn. Qua từng tác phẩm, Chu Quang không chỉ thể hiện sự tôn trọng và yêu mến giá trị văn hoá mà còn mang đến góc nhìn mới mẻ, hiện đại cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

z5659269289511_bcaddb43fe214233d70d57cd20277853.jpg
Hoạ sĩ kết hợp màu sắc truyền thống của sơn mài với sở thích chơi màu cá nhân. 

Màu sắc trong tranh của Chu Quang đã được “lập trình” sẵn từ khi quyết định theo đuổi sơn mài, đó là sắc màu truyền thống sơn son thiếp vàng. Nhưng khi sáng tạo được nửa chặng đường, những thôi thúc phải tạo ra bản sắc riêng khiến anh chọn màu sắc theo sở thích, vẫn giữ truyền thống song đã có những mảng màu, độ sáng khác nhau mang hơi thở thời đại. 

z5659269553746_16c5fc1a5487e4886712485c94bf88c2.jpeg
Các tác phẩm của Chu Quang đều được vẽ từ ký ức thơ bé.

Trước khi tới với sơn mài một cách chuyên nghiệp, Chu Quang suýt rẽ ngang sang ngành thiết kế. Nhưng nền tảng gia đình luôn hướng về cội nguồn dân tộc quá lớn cùng định hướng và những gửi gắm tâm tư, tình cảm của ông và bố, Chu Quang lại quay về với sơn mài. 

50 tác phẩm sẽ trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long đúng ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 tới, đều được vẽ từ ký ức của Chu Nhật Quang về quang cảnh đồng quê ngày xưa, chiếc cổng làng cổ kính, chùa Thầy nép mình dưới chân núi…

z5659268812047_8f3757abc284e9d79b8d5eea1786545f.jpeg
Chưa có ý niệm sẽ phải bán được bao nhiêu bức tranh trong lần trưng bày đầu tiên, Chu Quang chỉ muốn giới thiệu tới công chúng cảm nhận của mình về cuộc sống.

Được cảnh báo từ sớm là theo nghiệp sơn mài sẽ rất khó khăn và gian nan song Chu Quang thấy may mắn vì bên cạnh luôn có ông và bố truyền cảm hứng.

“Từ lúc bắt tay sáng tạo tranh sơn mài, tôi không thấy khó khăn, trở ngại nào. Nghệ thuật này tạo cho tôi sức cuốn hút kỳ lạ, từ việc ngồi tỉ mẩn gắn vỏ trứng cho tới khi các lớp màu được chồng lên nhau, ra được kết quả ngoài mong đợi, cảm giác hồi hộp khó tả. Quy trình này cứ lặp đi lặp lại khiến tôi luôn có sự hưng phấn, khó đoán định về tác phẩm cuối cùng”, hoạ sĩ Chu Quang chia sẻ. 

Chưa có ý niệm sẽ phải bán được bao nhiêu bức tranh trong lần trưng bày đầu tiên, Chu Quang chỉ muốn giới thiệu tới công chúng cảm nhận về cuộc sống: “Dù sống trong môi trường đô thị hóa và nhịp sống hiện đại vẫn luôn duy trì liên kết chặt chẽ với quê hương và không ngừng khao khát mang tinh thần đó vào từng tác phẩm”.

Sự dấn thân đáng cổ vũ

Hoạ sĩ Thành Chương cho rằng, sinh ra và và lớn lên trong gia đình truyền thống như vậy, dù muốn hay không, các tác phẩm của Chu Quang cũng ảnh hưởng từ cha ông. Nhưng với xuất phát điểm như vậy, anh không bấu víu vào nó mà tạo ra cái riêng không thể lẫn.

“Có những người luôn phải tìm tòi để ra phong cách của mình, cố gắng tạo bản sắc dân tộc trong tác phẩm nhưng hên xui, có thể được có thể không. Nhưng ở Quang, cốt lõi cội nguồn văn hoá dân tộc đã có trong con người rồi. Thêm nữa, khi được học ở nước ngoài, tiếp nhận những thứ hiện đại, văn minh từ rất sớm và bài bản, điều đó cấu thành nên hoạ sĩ trẻ với sức sáng tạo mới”, hoạ sĩ Thành Chương chia sẻ.

Xem tranh của Chu Quang, hoạ sĩ Thành Chương thấy sự hiện đại hiện lên rõ ràng, cá tính của tác giả cũng rất mạnh, không trộn lẫn, nhìn tranh biết ngay gốc rễ cội của tác giả.

"Chu Quang hoà trộn giữa truyền thống và hiện đại vào tranh một cách dung dị, tự nhiên chứ không phải cố gắng gượng ép. Một hoạ sĩ mà khi xem tranh, giới mộ điệu nhận biết được nó là tác phẩm của ai, đó là thành công vượt trội", hoạ sĩ Thành Chương bày tỏ.

Ở tuổi 30, Chu Quang có sức sáng tạo khủng khiếp - 1 năm ra đời 50 tác phẩm khổ lớn, hoạ sĩ Thành Chương nói ông cũng không thể lý giải nổi. Có một điều ông chắc chắn rằng, với sự say mê cùng nền tảng gia đình và tài năng thiên phú, Chu Quang sẽ thành công trên con đường nghệ thuật. 

z5659269099741_476588fe8ed2de7fb0a7e6294eb4a5ef.jpeg
Ngắm các tác phẩm của Chu Quang, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bày tỏ sự khâm phục.

Ngắm các tác phẩm của Chu Quang, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều bày tỏ sự khâm phục: “Niềm đam mê lớn của Chu Quang là vẽ trên khổ vóc lớn, ở đó đòi hỏi khả năng khái quát, làm chủ được bố cục, đề tài, điều này không dễ dàng với hoạ sĩ trẻ vừa tròn 30 tuổi. Thêm vào đó, Chu Quang lại chọn sơn mài truyền thống, không rực rỡ và bắt mắt như sơn mài của Nhật Bản hay một số nước khác. Đây là cuộc dấn thân, một thách thức không hề đơn giản của hoạ sĩ trẻ bởi đã biến những giá trị truyền thống trở thành tính đời sống trong đương đại.

Chào 'sân' với loạt tác phẩm nhưng Chu Quang không bị ảnh hưởng bởi thị trường, không vì thị hiếu người mua mà thay đổi mình. Với niềm đam mê nghệ thuật - phẩm chất không chỉ riêng Chu Quang mà bất cứ hoạ sĩ nào cũng cần, tôi tin cậu ấy sẽ là hoạ sĩ đáng để chúng ta chờ đợi những tác phẩm mang tính thời đại tiếp tục ra mắt công chúng”. 

Ảnh: NVCC