Hội thảo được tổ chức sáng nay (13/5) do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ LĐ-TB&XH và Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam thực hiện. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhìn nhận, trẻ em là nguồn hạnh phúc của mọi gia đình, là tương lai của đất nước. Do đó, sự nghiệp chăm sóc trẻ em là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và mỗi công dân.  

Theo ông Nghĩa, đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước. Trong những năm qua, Việt Nam đạt được những tiến bộ ấn tượng, được quốc tế đánh giá cao về mục tiêu thiên niên kỉ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh; tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; nhất là giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo ra những điều kiện để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo hội thảo

Tuy nhiên, nhìn nhận vào thực tế, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, hiện nay thực trạng trẻ em bị xâm hại vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa bàn, gây bức xúc trong toàn xã hội.

"Đại dịch Covid-19 kéo dài, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, trong đó trẻ em là nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất, cần được can thiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục.

Nhiều trẻ em mắc Covid-19 phải cách ly tập trung, nhiều em là trẻ mồ côi do đại dịch. Đại dịch khiến trẻ em phải tạm dừng đến trường do giãn cách xã hội", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói và cho biết, việc tiếp xúc nhiều, lạm dụng với internet và các mạng xã hội đã gây ra những hệ lụy tiêu cực. 

Từ thực tế trên, ông Nghĩa yêu cầu đại biểu tập trung làm rõ những khó khăn, hạn chế và thách thức của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đặc biệt là xác định các nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới.

Hơn 4.300 trẻ mồ côi vì Covid-19 

Phát biểu tham luận tại hội thảo, bà Vũ Thị Kim Thoa, Phó Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, theo báo cáo của các Sở LĐ-TB&XH trên toàn quốc, tính đến tháng 2/2022 cả nước có 4.335 trẻ em mồ côi do Covid-19. Theo bà Thoa, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, có gần 20% tỷ lệ người mắc Covid-19 ở độ tuổi dưới 18 (tương đương gần 500.000 trẻ).

Bà Vũ Thị Kim Thoa, Phó Cục trưởng Cục trẻ em

"Dịch Covid-19 đe dọa sự sống còn và sức khỏe dinh dưỡng của trẻ em. Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, số ca nhiễm trên cả nước tăng cao, trong đó có nhiều trẻ em bị nhiễm và tiếp xúc gần với người nhiễm, đe dọa đến tính mạng các em", bà Thoa nói và cho biết, đại dịch làm gián đoạn học tập và làm gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng.

Trước thực trạng trên, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ trẻ em. Trong đó, công tác hỗ trợ khẩn cấp trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trẻ mồ côi từ nguồn vận động xã hội của quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam", bà Thoa nói. 

Tâm lý học sinh bị ảnh hưởng

Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đại dịch đã tác động đến tâm lý, sức khỏe, thể chất của đội ngũ nhà giáo, trẻ em mầm non, học sinh.  Một trong số đó là việc giãn cách xã hội kéo dài khiến cuộc sống của gia đình trẻ em mầm non, học sinh bị đảo lộn. Cảm giác tù túng, bí bách khi phải ngồi ở nhà trong thời gian dài dẫn đến trẻ thiếu kĩ năng sống, biểu hiện tâm lý tiêu cực dẫn đến bi quan, bạo lực.

Toàn cảnh hội thảo

Dịch bệnh tác động tiêu cực đến hầu hết các hoạt động giáo dục, để lại hậu quả lâu dài cần khắc phục. Trong đó, nhiều cơ sở mầm non phải đóng cửa, nhiều trường học phải kết thúc năm học muộn hơn kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và 2021 bị ảnh hưởng. 

Theo ông Việt, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều giải pháp giáo dục trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh. Trong đó, việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong trường học được ưu tiên hàng đầu. Tiếp đó là đảm bảo chất lượng giáo dục và đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin. 

"Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, thể chất, tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe cho học sinh được đặc biệt quan tâm", ông Việt nói. 

Tại hội thảo, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng, để bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các cơ quan chức năng cần tập trung đầu tư vào trợ giúp xã hội, đặc biệt là các gia đình có trẻ em; Đầu tư cho công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là những người làm công tác xã hội; đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là học tập kỹ thuật số; 

Ngoài ra, bà Rana Flowers cho rằng, việc đầu tư thỏa đáng cho các can thiệp liên quan đến dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em cần được quan tâm và việc đầu tư thích đáng vào nước sạch và vệ sinh công bằng, thích ứng với khí hậu. 

Đoàn Bổng