Hội nghị tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo điểm nhấn tích cực hướng tới chào mừng Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024-2029.

Hội nghị tập trung tổng kết đánh giá những thành quả trong 20 năm tổ chức Ngày hội ở 585 khu dân cư trên địa bàn tỉnh, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; đồng thời, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu; tiếp tục phát động thi đua sâu rộng, mạnh mẽ hơn nữa trong hệ thống Mặt trận và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh giai đoạn tiếp theo.

minhhoa.png

Cổ vũ sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Trong 20 năm qua, việc tổ chức "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" ở 585 khu dân cư trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo toàn diện, cụ thể, sâu sát, phân công các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, đại biểu dân cử các cấp, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cùng tham dự Ngày hội với nhân dân; cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Từ đó tạo nên bước chuyển mới và trở thành hoạt động xã hội rộng lớn, thiết thực, góp phần động viên to lớn và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở cộng đồng dân cư, thật sự là "Ngày hội của nhân dân", cổ vũ sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng được lòng tin trong nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong phát động và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tích cực giữ vững ổn định và tham gia phát triển kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương.

Kết quả 20 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn và giành được nhiều thành quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực cả về kinh tế, văn hóa, xã hội; đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 166 triệu đồng/năm, tăng 157,6 triệu đồng so với năm 2003 (8,4 triệu đồng/năm). Các lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, bình quân hàng năm có 95,98% số khu phố, ấp và 97,60% số hộ đạt tiêu chuẩn văn hóa. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đúng mức hơn. Tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 41/41 xã được công nhận xã nông thôn mới, 29 xã đạt nông thôn mới nâng cao...

Trong 20 năm qua, ngoài kinh phí đầu tư của Nhà nước cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhân dân ở các khu dân cư đã đóng góp trên 68.458 ngày công, hiến trên 67.275m2 đất để mở đường giao thông nông thôn trị giá trên 84.000 tỷ đồng, hàng trăm tuyến đường tự quản được nhân dân đồng tình tham gia. Từ năm 2003 - 2023, tại Ngày hội, toàn tỉnh đã trao tặng 1.838 phần quà, trị giá hơn 4 tỷ 650 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo các cấp và từ nguồn xã hội hóa, góp phần đảm bảo công tác an sinh, xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần hết sức thiết thực đối với các đối tượng chính sách và người dân…

Bảo đảm công tác dân vận luôn gần gũi với nhân dân

Trong 20 năm qua, để tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tỉnh Bình Dương luôn xác định công tác dân vận và công tác dân vận chính quyền là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó nhiệm vụ then chốt là xây dựng nền hành chính Nhà nước phục vụ nhân dân; việc xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện công tác dân vận của cơ quan, đơn vị phải gắn với việc triển khai nhiệm vụ chính trị; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận; về vị trí, vai trò, trách nhiệm của CBCCVC trong thực hiện công tác dân vận, bảo đảm công tác dân vận luôn gần gũi với nhân dân.

Nhờ đó, các phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” lan tỏa rộng khắp, ngày càng đi vào chiều sâu. 

Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu cho Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt trong nhiều năm qua; ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa và huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Đề án “công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025” đã được nhiều đơn vị triển khai tích cực, tham gia sôi nổi.

Từ đó hình thành được nhiều mô hình hiệu quả có sức lan tỏa, thu hút đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia, như: Mô hình“Thắp sáng các đường phố, ngõ hẻm”, “Vẽ hoa trên trụ điện”, vận động cán bộ, hội viên, nhân dân tham gia xây dựng “Tuyến đường văn minh đô thị”, “Tuyến đường kiểu mẫu”, “Khu phố không rác”, “Chợ văn minh thương mại”..., cùng địa phương thực hiện tốt giải phóng mặt bằng, giải tỏa đền bù, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp.

Nâng chất các cuộc vận động, phong trào thi đua, hướng về cơ sở

Tại Hội nghị tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc giai đoạn 2003- 2023, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh để Ngày hội mang lại ý nghĩa và hiệu quả thiết thực hơn nữa, MTTQ và các tổ chức thành viên cần tiếp tục đa dạng hoá các hình thức tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua đi vào chiều sâu, hướng mạnh về cơ sở và sát hợp với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh.

Trọng tâm hiện nay là kiên quyết, kiên trì vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số và Đề án 06 để xây dựng Chính quyền số, công dân số, xã hội số, kinh tế số và thành phố thông minh.

Vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào "Nhà nước và nhân dân cùng làm" trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tích cực ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội, hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Bảo đảm an sinh xã hội với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau"; xây dựng nếp sống văn minh; bảo vệ môi trường; gắn camera để giám sát an ninh, bảo đảm sự bình yên và hạnh phúc của người dân.

Đồng thời thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với các tổ chức Đảng và cơ quan chính quyền. Chủ động góp ý kiến với Đảng và chính quyền trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, phản biện sắc sảo, chân tình, giúp cấp ủy và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý tốt hơn nhằm tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.

Với những thành tựu đã đạt được, trong chặng đường tới, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục bước tiến mạnh mẽ; khơi dậy ý chí, tiềm năng, nguồn lực, phát huy dân chủ, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân với khát vọng vươn lên mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao của toàn dân trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh… đã đặt ra.

Cửu Long