Lễ khai giảng năm học mới 2021 – 2022 sẽ được Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), đơn vị thuộc Bộ TT&TT tổ chức ngày 15/10, với sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu, giảng viên, sinh viên trên khắp cả nước.
Với việc tổ chức hoàn toàn trực tuyến, đây cũng năm đầu 2 cơ sở đào tạo tại Hà Nội và TP.HCM của PTIT có chung lễ khai giảng năm học mới.
Dưới ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong năm học 2020 – 2021 vừa qua, kế hoạch giảng dạy, học tập của thầy và trò Học viện đã có nhiều thay đổi, khác biệt so với giai đoạn trước để thích ứng với tình hình, xu thế mới.
Các hoạt động chuyển đổi số giáo dục, dần hình thành 1 hệ sinh thái cho Đại học số đã được Học viện đẩy mạnh từ năm 2020. Cho đến nay, nhiều hoạt động của nhà trường được triển khai trên nền tảng số và mang lại những hiệu quả bước đầu.
Cụ thể, học liệu số được cập nhật trên hệ thống thư viện số D-Lib tại địa chỉ dlib.edu.vn của Học viện, giúp các sinh viên, học viện dễ dàng tra cứu tài liệu.
Hiện hệ thống đã có khoảng 1.785 đầu sách bao gồm giáo trình, bài giảng, luận án, luận văn, khoá luận tốt nghiệp đại học và các e-book ngoại văn, tiếng Việt đc cập nhật và khai thác trên hệ thống. 19.256 tài khoản đã được cấp quyền truy cập hệ thống, với trung bình 150 lượt sử dụng mỗi ngày.
Hệ thống kết nối nội bộ PTIT-Slink cũng được xây dựng và đưa vào vận hành với vai trò là mạng xã hội nội bộ, hoạt động như một kênh kết nối chính thức giữa sinh viên và giảng viên, sinh viên với các dịch vụ hỗ trợ của nhà trường và là kênh thông tin chính thức của nhà trường với sinh viên. Hệ thống đã có gần 13.000 sinh viên, cán bộ đang sử dụng với các tính năng thông báo, truy cập, dịch vụ một cửa…
Năm học vừa qua, Học viện đã chuyển đổi số trong quản lý đào tạo và giảng dạy, đặt những nền móng đầu tiên cho mô hình Đại học số. |
Đặc biệt, qua 2 đợt bùng phát dịch bệnh gần đây, tại 2 cơ sở đào tạo của Học viện đã tổ chức đào tạo trực tuyến cho gần 90.000 lượt sinh viên với 196 môn học, hơn 1.400 lớp học online cho hơn 12.000 sinh viên.
Cũng trong năm học 2020 – 2021, lần đầu tiên Học viện tổ chức thi và bảo vệ đồ án, khóa luận trực tuyến cho gần 55.000 lượt sinh viên. Phần lớn các học phần thực hành đã được thực hiện trên nền tảng thực hành thông minh D-Lab, với hơn 1 triệu lượt nộp bài tập chỉ sau 9 tháng triển khai; số lượng lượt nộp bài trung bình là trên 10.000 lượt/ngày.
Hệ thống hoạt động tuyển sinh số được triển khai xuyên suốt quá trình tuyển sinh, với 9.242 tài khoản mở. Học viện đã xác nhận nhập học và tiến hành nhập học online cho 3.500 thí sinh.
Bên cạnh đó, năm 2021, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội trong kỷ nguyên số, Học viện đã mở và tuyển sinh 2 ngành đào tạo mới gồm: ngành Công nghệ tài chính (Fintech) cho thí sinh học tại cơ sở đào tạo Hà Nội; ngành Kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa cho những thí sinh học tại cơ sở đào tạo phía TP.HCM.
Ngoài ra, nhà trường còn mở chương trình đào tạo chất lượng cao ngành CNTT được thiết kế theo định hướng chuẩn CNTT quốc tế với 3 chuyên ngành: Công nghệ phần mềm, Trí tuệ nhân tạo (AI) và An toàn thông tin. “Đây là các hướng đào tạo mới đáp ứng xu thế phát triển và nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và định hướng chuyển đổi số, được người học và xã hội đánh giá cao”, đại diện lãnh đạo Học viện chia sẻ.
Trong năm học mới 2021 – 2022, tiếp tục đẩy mạnh triển khai chiến lược phát triển Đại học số là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của Học viện.
Vân Anh
Thí sinh trúng tuyển vào PTIT bắt đầu làm thủ tục nhập học trực tuyến
Từ ngày 4/9, các thí sinh được xét tuyển thẳng, trúng tuyển theo phương thức xét tuyển kết hợp và thí sinh diện dự bị đại học đã xác nhận nhập học vào Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) bắt đầu làm thủ tục nhập học.