Tăng mỡ trong máu hay còn gọi tăng cholesterol là nguyên nhân chủ yếu của quá trình xơ vữa và dần làm hẹp các động mạch cung cấp máu cho tim. Đặc biệt, khi cả cholesterol và triglyceride cùng gia tăng, nguy cơ này cao hơn gấp nhiều lần và thúc đẩy nhanh hơn quá trình xơ vữa động mạch, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng gây thiếu máu cơ tim, nguy hiểm hơn là nhồi máu cơ tim. Khoảng 90% trường hợp nhồi máu cơ tim là do biến chứng của mảng xơ vữa.

Theo các bác sĩ, trước đây chứng bệnh mỡ máu cao chỉ gặp ở người lớn tuổi. Ngày nay, bệnh xuất hiện ở người trẻ tuổi, thậm chí trẻ em nhất là trường hợp trẻ thừa cân, béo phì.

W-suc-khoe-hoc-duong-1.png
Chế độ dinh dưỡng có thể ảnh hưởng tới các bệnh lý trong tương lai của học sinh. 

Tại Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), các bác sĩ đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ nhỏ nhưng đã bị rối loạn mỡ máu. Nguyên nhân có thể là di truyền và một phần do lối sống ăn uống của học sinh.

Trường hợp điển hình là một học sinh lớp 6, quê Ninh Bình, đến khám vì chị gái của em được chẩn đoán rối loạn mỡ máu di truyền. Kết quả học sinh này cũng bị máu nhiễm mỡ do di truyền. Ngoài ra, bố của học sinh làm nghề mổ lợn nên hàng ngày anh đều giữ lại tim, bầu dục, óc lợn để bồi bổ cho các con. Món ăn này cũng dẫn tới tình trạng rối loạn mỡ máu ở trẻ.  Bệnh nhi được các bác sĩ gửi sang Viện Dinh dưỡng Quốc gia để tư vấn kiểm soát chế độ ăn, làm sao đảm bảo kiểm soát tốt nhất cholesterol nhưng vẫn đảm bảo cho trẻ đủ năng lượng phát triển. 

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Hà Nội), nguồn gốc gây mỡ máu cao ở trẻ hay người trưởng thành chủ yếu là ăn uống không lành mạnh, lười vận động.

Nếu bữa ăn có nhiều thực phẩm giàu cholesterol (mỡ, da, phủ tạng động vật…), thực phẩm có chứa chất béo dạng tranfast như các loại thực phẩm chiên, rán (xúc xích, lạp xưởng…) cũng có thể làm tăng cholesterol. Ngược lại, hiện nay, học sinh rất ít ăn rau, các loại trái cây.

Tăng mỡ máu rất nguy hiểm, gây ra nhiều biến cố cho tim mạch. Các nghiên cứu nhận thấy người có lượng cholesterol trong máu cao có tỷ lệ mắc bệnh mạch vành (mạch máu nuôi tim) cao gấp 2-3 lần so với người bình thường. Cholesterol LDL trong máu cao tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch và dễ gây biến chứng. Nếu làm giảm 1mg/dL LDL thì giảm được 2% tỷ lệ tử vong. Vì vậy, trẻ nhỏ có di truyền tăng mỡ máu hoặc trẻ béo phì cần được theo dõi rối loạn mỡ máu để tầm soát các bệnh tim mạch trong tương lai.

Để phòng mỡ máu ở lứa tuổi học sinh, bác sĩ Hưng cho rằng trẻ cần được quan tâm chú ý từ chế độ ăn uống và sinh hoạt. Hằng ngày, trẻ cần hạn chế những thực phẩm giàu cholesterol, chất béo. Thực đơn của trẻ ở trường cũng như ở nhà cần được bổ sung thêm ăn rau xanh, thực phẩm chứa hàm lượng chất xơ cao và luyện tập thể dục mỗi ngày.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh không lây nhiễm chiếm 77% tổng số ca tử vong ở Việt Nam năm 2018, ở lứa tuổi học sinh, vị thành niên dễ bị tổn thương. Những hành vi, thói quen không tốt cho sức khỏe thường được hình thành trong những năm đi học có thể dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trong tương lai của trẻ.

Vì vậy, giáo dục về bệnh không lây nhiễm cũng như chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp từ trường học vô cùng quan trọng. Trẻ vẫn nên ăn chế độ ăn phù hợp với nhu cầu sinh lý, đặc biệt đảm bảo nhu cầu đạm và canxi cho trẻ (sữa, thịt, trứng, đậu…). Phụ huynh cần chú ý hạn chế giờ trẻ thụ động nằm, ngồi xem tivi và nên tập cho trẻ làm một số công việc như dọn dẹp đồ chơi, tưới cây, dọn bàn ghế, lau nhà, đi bộ.

Căn bệnh phổ biến nhất ở học sinh TP.HCMThừa cân, béo phì, bệnh khúc xạ mắt, sâu răng... là các bệnh học đường phổ biến ở TP.HCM năm 2023. Chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại bệnh trên là thừa cân béo phì với 32,28%.
Thanh Hùng và nhóm PV, BTV