Bộ sách Quăng mình vào chốn thiền môn gồm 4 tập, gồm: Cho con đi tu nghen má, Hành trình cùng Báo Giác Ngộ, Chùa Việt trong tâm người xa xứ và Những chuyến phà qua sông. Hòa thượng Thích Thiện Bảo đang viết tiếp bản thảo Ông thầy tu kể chuyện để chia sẻ thêm nhiều câu chuyện thú vị trong cuộc sống xuất gia của mình đến với người yêu sách.
Lần đầu tiên, Hòa thượng Thích Thiện Bảo có dịp giao lưu, chia sẻ với bạn đọc về hành trình viết hồi ký đi tu, học và hành đạo của mình trên nhiều cương vị khác nhau, từ ông thầy ở quê đến vị Hòa thượng đứng đầu ngành Văn hóa Phật giáo TPHCM, làm công tác tòa soạn ở Báo Giác Ngộ đến vị hoằng pháp viên hướng dẫn đồng bào Phật tử xa xứ ở châu Âu.
“Cho con đi tu nghen má”
Đây là tựa sách tập 1 của bộ hồi ký được phát hành cách đây 4 năm, cũng là lời thưa của một thiếu niên quê ở xã Mong Thọ, huyện Châu Thành, Kiên Giang cách đây 60 năm. “Hồi ấy, nhà ở gần chùa, cảm được âm thanh an lành của lời kinh, tiếng kệ, của tiếng chuông ngân nên tôi đã xin má cho đi xuất gia”, Hòa thượng Thích Thiện Bảo nhớ lại.
Lúc đó, Hòa thượng Thích Thiện Bảo mới 12, 13 tuổi nhưng đã cảm được nỗi khổ nhân gian. Ba mất sớm, má một mình nuôi ba anh em, tạo dựng hạnh phúc cho hai anh chị đầu. Thôi thúc đi tu đã khiến một thiếu niên quyết chí xin má cho xuất gia, để rồi có lúc ngồi ngẫm lại hành trình, Hòa thượng đã nhận ra: “Nếu không có má, tôi không thể đi tu và không thể được như ngày hôm nay - còn giữ hình tướng tu sĩ”.
Ông nhớ mãi lời người má đã khuất của mình rằng, hễ không đi tu thì thôi, đã đi phải tu cho đàng hoàng, đừng có bỏ giữa chừng. Cũng từ lúc Hòa thượng Thích Thiện Bảo đi tu, người mẹ thương con - một người con đặc biệt chọn đường xuất thế - đã từng bước dõi theo bằng tất cả yêu thương, giúp con mình đứng vững cả lộ trình.
Thượng tọa Thích Quảng Tánh, biên tập viên, phụ trách chuyên mục Phật học của Báo Giác Ngộ lý giải, một người đi tu là do “chủng tử” - hạt giống đã gieo trồng nhiều đời - và đó cũng là sơ tâm trên bước đường tu, cần được nuôi lớn, giữ gìn.
“Thực tế, cuộc đời một người xuất gia cũng có nhiều trắc trở, gập ghềnh, thử thách chứ không phải nhẹ nhàng như người ngoài nhìn vào”, Thượng tọa Quảng Tánh chia sẻ. Theo ông, đi xuất gia là chọn con đường “nghịch lưu”, đi ngược dòng đời nên thử thách nhiều hơn.
Và tất nhiên, trong vai trò của một tu sĩ nhập thế, với mục đích “tốt đạo đẹp đời”, ngoài học, hành lời Phật dạy, nhiều tu sĩ còn học các chuyên môn thế học để phục vụ công việc của chùa chiền, Giáo hội. Hòa thượng Thích Thiện Bảo là một trong những tu sĩ có chuyên môn về nghề báo đã dấn thân làm Báo Giác Ngộ - tờ báo duy nhất của Phật giáo hiện nay và đã có công lao trong việc phát triển truyền thông Phật giáo, đưa đạo vào đời.
Tại buổi giao lưu, nói về vị thầy, vị “huynh trưởng” trong đạo của mình, Thượng tọa Thích Chúc Phú, Phó Thư ký tòa soạn Báo Giác Ngộ cho biết, Hòa thượng Thích Thiện Bảo là một người năng động, rất trẻ trung và luôn tìm tòi, ứng dụng cái mới vào công tác hoằng pháp, từ giảng dạy online đến các hoạt động ý nghĩa dành cho người trẻ như tiếp sức mùa thi, hội trại…
Thượng tọa Thích Tâm Hải, Tổng biên tập Báo Giác Ngộ cảm ơn Hòa thượng Thích Thiện Bảo, người từng đảm nhiệm Phó Tổng Biên tập kiêm Thư ký tòa soạn vì những đóng góp không ngừng nghỉ cho tờ báo suốt gần nửa thế kỷ qua.
Theo Thượng tọa Tâm Hải, buổi giao lưu còn là cơ hội để lan tỏa những giá trị văn hóa Phật giáo đến với cộng đồng.
Những chuyến phà chở người khổ đau…
Về tập sách mới nhất vừa xuất bản nằm trong bộ hồi ký Quăng đời mình vào chốn thiền môn (NXB Hồng Đức), Hòa thượng Thích Thiện Bảo lấy chất liệu từ chiếc phà qua sông ở quê mình - dòng sông Cái Sắn gắn với tuổi thơ cho đến bây giờ, khi thầy đã ở tuổi 73.
Để qua được sông phải nhờ phương tiện. Để đi qua nỗi khổ niềm đau của kiếp người cũng như thế. Một trong những phương tiện ấy chính là giáo pháp của Đức Phật.
Hoà thượng Thích Thiện Bảo chia sẻ: "Từng chuyến phà qua sông, chở theo bao con người cùng với bao ước nguyện. Có những ước nguyện nho nhỏ cho bản thân và có những ước nguyện phụng sự cho cuộc đời được tốt đẹp hơn… Có những chuyến phà chở những người mang theo nỗi khổ niềm đau và họ tới chùa để khóc với Phật vì không biết khóc với ai. Cổng chùa Bửu Thọ rộng mở với tất cả, không phân biệt. Tất cả cùng ngồi xuống bên nhau trong chánh điện, cùng nhìn lên Đức Phật từ bi và cùng lắng nghe lời dạy của người truyền lại từ hơn hai ngàn năm trăm năm về giáo lý Tứ Diệu đế…”.
Cũng trong buổi giao lưu, tác giả Quăng đời mình vào chốn thiền môn còn chia sẻ đời sống và tâm linh người Việt xa xứ. Với kinh nghiệm hoằng pháp ở Hungari và Đông Âu của mình, Hòa thượng nhận thấy, đời sống văn hóa - tôn giáo ở Việt Nam rất thuận lợi. Muốn đến chùa, nghe pháp không quá khó nếu không muốn nói thật sự dễ dàng, phước đức.
“Được sinh ra ở Việt Nam, gắn với Phật giáo Việt tại quê nhà là một hạnh phúc lớn. Nếu có tái sinh tôi cũng sẽ nguyện trở lại Việt Nam để làm một ông thầy tu hạnh phúc”, Hòa thượng Thích Thiện Bảo bày tỏ.