Giáo Hội Phật giáo Việt Nam TP Hải Phòng vừa tổ chức Toạ đàm khoa học kỷ niệm 30 năm đưa chùa Đồng về Yên Tử (28/4/1994-28/4/2024).

Chùa Đồng còn có tên khác là Thiên Trúc Tự (chùa cõi Tây phương Thiên Trúc) nằm ở vị trí cao nhất của núi Yên Tử. Trên độ cao 1.068m, đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất Việt Nam. 

Đầu tiên, chùa Đồng do một bà phi của chúa Trịnh dựng vào thời hậu Lê (thế kỷ 17). Ngôi chùa đặc biệt ở chỗ, đã được đúc bằng đồng khác hẳn với chất liệu gỗ lim như những ngôi chùa khác của Việt Nam lúc bấy giờ. Ở giai đoạn nguyên khởi này, ngôi chùa chỉ là một cái khám nhỏ, một người chui không lọt.

Năm Canh Thân 1740, đời vua Lê Cảnh Hưng, tương truyền có một cơn bão làm bật mái chùa, kẻ gian dỡ phần còn lại, chỉ để lại dấu tích các hố cột như chôn trên mỏm đá.

Năm 1994, ông Nguyễn Sơn Nam - Việt kiều Mỹ cùng các Phật tử phát tâm đúc lại ngôi chùa mới theo kiến trúc hình chữ Đinh, dáng một bông sen nở với những cánh thắm đẹp tự nhiên nhất. 

W-z5390921554041-dc5180161905cac472c481504b782fe8-1.jpg
Hoà thượng Thích Quảng Tùng. 

Tại toạ đàm, Hoà thượng Thích Quảng Tùng - Trưởng Ban trị sự GHPGVN TP Hải Phòng, Trụ trì chùa Phúc Lâm Dư Hàng kể lại hành trình cùng ông Nguyễn Sơn Nam xây dựng lại chùa Đồng: “30 năm một chặng đường, thời gian trôi nhanh, chúng tôi trải qua biết bao gian nan trở ngại mới đưa được chùa Đồng về Yên Tử. Giờ thay bằng ngôi chùa Đồng to đẹp hơn, chúng tôi vẫn tự hào là những người đi đầu xây dựng được ‘mái nhà tranh’ để có ‘ngôi nhà ngói’ như bây giờ. Hôm nay ôn lại chặng đường đã qua, sau này có gặp gì khó khăn gì về xây dựng, đó cũng là bài học để chúng ta vượt qua”.

Hoà thượng Thích Quảng Tùng đánh giá rất cao về đóng góp của nhà ông Nguyễn Sơn Nam, luôn nghĩ về quê hương, đau đáu với tâm nguyện của đại sư Trí Hải - người thầy của mình về việc xây dựng đóng góp cho Phật giáo nước nhà.

W-z5390920853142-09a6eedc2c748b898df0f315468fc75c-1.jpg
Ông Nguyễn Sơn Nam, người có công xây dựng chùa Đồng từ năm 1994.

Tại toạ đàm, ở tuổi 75, ông Nguyễn Sơn Nam xúc động kể, năm 25 tuổi được ở cạnh Đại sư Trí Hải. Suốt thời gian này, dù thầy của mình không nói nhưng ông có cảm giác tâm nguyện của thầy được truyền sang mình, là phải xây dựng chùa Đồng, dù việc này gặp nhiều khó khăn. Sau 10 năm rời Việt Nam, năm 1994 ông Sơn Nam mới về quê hương, hoàn thành tâm nguyện của Đại sư Trí Hải cũng như của mình. Ông cảm thấy nhẹ lòng.

Ông Nguyễn Đình Chỉnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn nghệ dân gian Hải Phòng cho rằng, ông Nguyễn Sơn Nam xây dựng chùa Đồng năm 1994 rất gian khổ, vất vả. 

438242018 3647805822145665 5733700967942272865 n.jpg
Chùa Đồng ở Yên Tử.

“Có thể nói cư sĩ Sơn Nam đã có tư duy, suy nghĩ đi trước mọi người, sớm thấy được tư tưởng thiền Phật vĩ đại của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Sau này người ta mới quan tâm chú ý tới những giá trị, ý nghĩa của Phật phái Trúc Lâm và Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Nguồn kinh phí xây dựng chùa Đồng phần lớn do ông Nguyễn Sơn Nam công đức, khoảng 2,3 tỷ đồng thời điểm đó (năm 1994) là rất lớn”, ông Chỉnh chia sẻ.

W-z5390921548682-7a875aa942cb514a8a2e58046fd0dca2-1.jpg
Ông Bùi Hữu Dược.

Tại toạ đàm, ông Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ) cảm ơn Hoà thượng Thích Quảng Tùng vì thời điểm đó còn rất trẻ nhưng đã quyết tâm làm công trình lớn; ông Sơn Nam lúc bấy giờ là một Việt kiều nhưng sẵn sàng cống hiến vì hạnh nguyện đối với sự phát triển của Phật giáo, với tình yêu quê hương đất nước.

“Tôi tin rằng Đại sư Trí Hải sẽ tự hào về người học trò của mình, tự hào về sự đóng góp của Phật giáo vào xã hội hôm nay”, ông Dược khẳng định.