- Các chuyên gia chỉ ra thực trạng chi trả hoa hồng, lại quả, thỏa thuận “gửi giá” vì động cơ vụ lợi trong thực hiện các hợp đồng giữa các doanh nghiệp. Họ gọi đó là tham nhũng, hối lộ thương mại, có thể làm méo mó tính chất thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Đó là một trong những đánh giá, nhận định đưa ra trong một nghiên cứu do Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) chủ trì, công ty Monaco phối hợp thực hiện, được giới thiệu tại hội thảo trước Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12, diễn ra hôm nay 30/10 tại Hà Nội.

TS Minh, đại diện của Monaco trình bày báo cáo, khẳng định giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp tồn tại tham nhũng, hối lộ.

Dù nhấn mạnh những kết quả nghiên cứu không đại diện cho vùng, tỉnh, nhưng những nghiên cứu qua 5 tỉnh (Hải phòng, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương) tại 232 doanh nghiệp cho thấy tham nhũng, hối lộ len lỏi đa dạng.

Từ vặt vãnh đến nhóm lợi ích

Nếu hiểu việc doanh nghiệp phải chi các khoản tiền hối lộ nhỏ để đối phó sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn của cán bộ công chức, hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ công, Monaco ghi nhận cảm nhận về mức độ phổ biến tham nhũng vặt lên đến 80%.

58% doanh nghiệp cho rằng họ là “nạn nhân” của tham nhũng vặt, 70% doanh nghiệp cho rằng họ tự động đưa hối lộ để giải quyết công việc nhanh chóng. Trong đó, hình thức nhũng nhiễu của cán bộ công chức phổ biến nhất là cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc, cố tình bắt lỗi doanh nghiệp, cố tình đặt ra các yêu cầu sai quy định…

{keywords}
Ảnh: Hồng Nhì

Ông Minh cho hay có một sự “tiến bộ” đó là khi vướng hoàn cảnh bị nhũng nhiều, 86% doanh nghiệp không thực hiện ngay lập tức hành vi hối lộ mà chọn cách đưa ra lý lẽ thuyết phục. Nhưng “đáng buồn” đó là số doanh nghiệp chọn cách nhờ cơ quan pháp luật can thiệp lại thấp, chỉ chiếm 13%.

Bên cạnh đó, có dạng tham nhũng “nhóm lợi ích” hình thành từ các doanh nghiệp có những quan tâm và lợi ích giống nhau (cùng ngành hàng, lĩnh vực hoạt động).

Họ “lobby chính sách” nhằm đạt được lợi thế kinh doanh không chính đáng để tác động tới quá trình xây dựng chính sách hoặc để tiếp cận các nguồn lực công như đầu tư từ ngân sách, giao đất, cho thuê đất, thăm dò – khai thác khoáng sản…

Một dạng tham nhũng, hối lộ trong quan hệ giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng tồn tại phổ biến. Theo ông Minh, giữa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và doanh nghiệp tư nhân (DNTN) có hình thức phổ biến là lãnh đạo, quản lý DNNN nhận hoa hồng, “gửi giá” trong các hợp đồng ký kết với DNTN.

Biểu hiện đó là chi trả hoa hồng, trích thưởng, thỏa thuận “gửi giá” vì động cơ vụ lợi trong thực hiện các hợp đồng giữa các doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Monaco, mặc dù pháp luật phòng chống tham nhũng không điều chỉnh các quan hệ này nhưng những hành vi này có tính chất tương tự “hành vi tham nhũng”.

Ông Minh dẫn một báo cáo khác của ITBI tham chiếu cho thấy, khoản “lại quả” trích lại cho các đối tác thường <5% giá trị thương vụ, trong đó tỷ lệ trích lại trong ngành dịch vụ cao hơn các ngành sản xuất-thương mại.

Trong nội bộ các doanh nghiệp, có tới 46% số người được phỏng vấn cho rằng “giám đốc luôn có phần hoa hồng khi ký hợp đồng với các đối tác”.

Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cũng dẫn một báo cáo do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng thế giới, một số đối tác thực hiện năm 2012 cho thấy, có tới 60% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng “chi phí không chính thức là khá tốn kém cho doanh nghiệp”, 57% được hỏi khẳng định “chi phí không chính thức tạo ra môi trường kinh doanh không công bằng giữa các doanh nghiệp”.

Chỉ 30% số trường hợp doanh nghiệp đưa hối lộ là do công chức gợi ý, tới 70% số trường hợp đưa hối lộ do doanh nghiệp chủ động thực hiện. “Thực trạng này chứng tỏ doanh nghiệp vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân tham nhũng” – ông Lượng cho hay.

Hối lộ không tác dụng

Hối lộ thực sự có tác dụng? Câu trả lời là không. Theo bà Trần Thị Lan Hương, chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, một nghiên cứu của cơ quan này cho thấy rất rõ ở nơi nào có hiện tượng đưa hối lộ ít hơn lại có khối doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn. Ở nơi nào có nhiều hối lộ hơn thì doanh nghiệp cũng kinh doanh kém hơn.

Lý giải dễ hiểu nhất đó là doanh nghiệp hối lộ xa chân vào một vòng luẩn quẩn: công chức gây khó dễ-doanh nghiệp và dân có động cơ đưa hối lộ-khó khăn được giải quyết-công chức có động cơ tiếp tục chu trình.

Một đại diện Bộ Tài Chính đánh giá, những khảo sát từ 2005 cho đến 2012 cho thấy một chiều hướng ngày càng rõ nét đó là đưa hối lộ không thể giải quyết được công việc. Bởi lẽ, chính sách pháp luật đã ngày càng hoàn thiện, minh bạch hơn, kỹ luật làm việc của công chức đang ngày càng siết chặt.

Vị đại diện này cũng cho hay, qua các cuộc thanh tra, kiểm tra của Nhà nước cho thấy, những doanh nghiệp đưa hối lộ có xu hướng là những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, không chuyên nghiệp, trình độ năng lực có mức độ. Bà cho hay, có những doanh nghiệp khi chuyện khó xảy ra luôn muốn tìm cách giải quyết theo cách “ngoài luật”.

Theo bà, để giải quyết thực trạng, một trong những vấn đề cốt lõi đó là nâng cao trình độ của doanh nghiệp.

Phía Monaco cho rằng, tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp là một văn hóa đen chưa thể loại bỏ ngay lập tức. TS Minh kiến nghị pháp luật về phòng chống tham nhũng cần tăng cường xử lý đối với doanh nghiệp sử dụng biện pháp ‘đưa hối lộ’ nhằm làm méo mó tính chất thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Ông James Anderson, chuyên gia Ngân hàng Thế giới khẳng định, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.

Linh Thư – Hồng Nhì