Dưới sự dẫn dắt của HLV Mai Đức Chung, đội tuyển nữ Việt Nam trở thành đội bóng thành công nhất Đông Nam Á với những thành tích đáng chú ý gồm lọt vào VCK World Cup bóng đá nữ 2023, top 4 Asiad năm 2014, giành 6 trong tổng số 8 HCV của môn bóng đá nữ SEA Games, vô địch AFF Cup 2019.
HLV Mai Đức Chung sẽ là một trong 100 người Việt và gốc Việt xuất sắc đến từ hơn 20 quốc gia, có tầm ảnh hưởng toàn cầu trong tất cả các lĩnh vực tham gia Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 - VGLF 2024 do tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt nam toàn cầu (AVSE Global) khởi xướng, diễn ra tại Paris, Pháp vào cuối tháng 3.
VGLF 2024 quy tụ 100 người Việt và gốc Việt có tầm ảnh hưởng trên thế giới hướng đến việc tạo dựng một cộng đồng, kết nối các cá nhân xuất sắc từ đa dạng lĩnh vực, để cùng nhau tìm kiếm hướng đi mới cho Việt Nam thông qua việc gắn kết tinh hoa trí tuệ, gắn kết Việt Nam và thế giới.
Ông nhận định như thế nào về vai trò của các chương trình huấn luyện và phát triển nhân lực trong việc đưa thể thao Việt Nam ra thế giới?
Trong thời gian vừa qua tôi có một quãng dài làm công tác huấn luyện ở đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, ngoài ra còn một số đội của bóng đá nam. Đảng và Nhà nước, xã hội rất quan tâm tới lĩnh vực thể dục thể thao, đặc biệt là môn bóng đá. Vì thế bóng đá Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ.
Tất nhiên, so với thế giới chúng ta còn nhiều hạn chế vì nền kinh tế của Việt Nam mới đang trên đà phát triển, vì thế các chương trình huấn luyện cũng như phát triển nhân lực còn khó khăn. Nhưng mọi thành phần trong xã hội đều đã có sự vun đắp, chung tay để làm cho ngành thể dục thể thao nói chung, môn bóng đá có sự đi lên, đạt những thành quả rất đáng ghi nhận.
Ví dụ như các đội tuyển bóng đá nam chúng ta từng giành ngôi nhì tại vòng chung kết U23 châu Á 2028 tại Thường Châu, Trung Quốc. Đó là thành tích vang dội ở tầm châu lục. Ngoài ra, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cũng đã vào tới World Cup 2023. Ngoài ra chúng ta còn nhiều thành quả khác.
Thành công này có công sức của nhiều người, trong đó có cả giới truyền thông trong và ngoài nước. Đặc biệt các CĐV Việt Nam, trong đó có nhiều CĐV ở nước ngoài không có điều kiện tiếp xúc nhưng bằng những tâm huyết đã cổ vũ rất lớn cho các đội tuyển bóng đá Việt Nam. Tất cả những điều này đã động viên cho bóng đá Việt Nam.
Bóng đá Việt Nam nói chung, bóng đá nữ Việt Nam nói riêng, đang gặp những hạn chế gì về sự phát triển, từ đó chúng ta cần làm gì nhằm thu hẹp khoảng cách với những quốc gia hàng đầu châu lục, thế giới?
Bóng đá Việt Nam có sự phát triển và đang được đầu tư, nhưng còn nhiều hạn chế. Đơn giản nhất là cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được. Sân bãi, trang thiết bị dụng cụ, khâu đào tạo VĐV của bóng đá Việt Nam chưa được tốt, chưa được quy củ. Tôi thẳng thắn nói là như vậy.
Đặc biệt chúng ta còn hạn chế về công tác tìm kiếm và sử dụng các VĐV gốc Việt ở nước ngoài. Chúng ta có một số khó khăn về vấn đề thủ tục.
Liên quan tới việc huy động nguồn tài nguyên cầu thủ gốc Việt, trong quá trình xây dựng và phát triển đội tuyển, ông đã thu hút và kết nối như thế nào với các nhân tài?
Ở Đông Nam Á, đội Philippines đang nhập tịch rất nhiều cho đội tuyển bóng đá nữ. Vừa qua, đội tuyển bóng đá nam Indonesia cũng nhập tịch tới 11 cầu thủ. Việt Nam chỉ cần một số nhỏ, tốt nhất là khoảng 1/3 đội hình.
Tôi nghĩ là sự có mặt của các cầu thủ gốc Việt sẽ tạo nên sự cạnh tranh tốt hơn, chứ không phải là lấn át cầu thủ nội trong nước. Nói cách khác, cầu thủ nội phải nỗ lực hết sức để cạnh tranh vị trí.
Để có cầu thủ Việt kiều hay nhập tịch tốt, khâu thẩm định là rất quan trọng. Việc thẩm định tốt nhất thì các HLV trưởng phải ra nước ngoài để quan sát, theo dõi.
Các cầu thủ ở nước ngoài tập luyện trong một môi trường chuyên nghiệp, khoa học và tiên tiến nên chúng ta không cần xem họ tập, mà cần đánh giá ở những trận thi đấu. Tôi nghĩ đó là điều tốt nhất. Còn không có điều kiện thì chúng ta mời các cầu thủ về Việt Nam để tuyển chọn, đánh giá chính xác.
Theo ông, làm thế nào để chúng ta có thể thu hút và kết nối nhân tài người Việt và người nước ngoài để cùng nhau đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam? Ông có đề xuất gì với Liên đoàn bóng đá Việt Nam về việc sử dụng tài nguyên cầu thủ nhập tịch hay chưa?
Cá nhân tôi đã làm rất nhiều. Bản thân tôi từng đi Pháp, cách xa Paris gần 100km để xem cầu thủ Tristan Đỗ thi đấu. Cầu thủ này có có bà nội ở Hà Nội. Tôi trực tiếp xuống sân tặng áo và mời cậu ấy về Việt Nam. Bạn ấy rất vui.
Khi về nước tôi có báo cáo với lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam nhưng như tôi nói ở trên, vấn đề sử dụng nguồn cầu thủ gốc Việt ở nước ngoài có nhiều khó khăn trong vấn đề thủ tục. Sau đó thì Tristan Đỗ nhập tịch Thái Lan và thi đấu cho đội tuyển quốc gia nước này.
Ngoài ra, một số trường hợp khác là Patrick Lê Giang, Nguyễn Filip cũng đều được tôi trực tiếp nói chuyện và kết nối. HLV của Nguyễn Filip cho biết mình chỉ huấn luyện 2 thủ môn là Peter Check (cựu tuyển thủ CH Czech – PV) và Nguyễn Filip. Cả hai đều rất chất lượng.
Kể lại để thấy tôi cũng từng đi nhiều nước để học tập, theo dõi, liên hệ tìm kiếm cầu thủ Việt kiều…, và tất nhiên cũng có đề xuất với Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Nhưng có một số trường hợp chưa thực hiện được nên rất đáng tiếc.
Khi ông đi tìm kiếm nhân tài ở nước ngoài, các cầu thủ và gia đình của họ đáp lại thế nào, thưa ông?
Có những cuộc nói chuyện giữa tôi và gia đình cầu thủ gốc Việt ở nước ngoài kéo dài cả buổi sáng. Chúng tôi trao đổi nhiều về tình hình của thể thao nước nhà để họ hiểu hơn. Mong muốn của họ là được phục vụ cho Tổ quốc. Đó là điều đọng lại với mỗi người Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài.
Với việc đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã tham gia World Cup 2023 đưa thương hiệu Việt Nam lên tầm quốc tế. Theo ý kiến của ông, những biện pháp nào có thể được áp dụng để huy động nguồn lực hiệu quả nhất để thúc đẩy sự phát triển của thể thao nước nhà nói riêng và Việt Nam nói chung?
Để thuyết phục, lôi kéo nhân tài, thì tài chính là một vấn đề quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là chuyên môn. Chúng ta phải tạo ra môi trường cho các cầu thủ Việt kiều được tập luyện, thi đấu, được chứng minh năng lực. Không chỉ có Việt Nam mà các quốc gia khác cũng đều làm như vậy.
Thể thao nếu nói về tách rời là không được vì có nhiều yếu tố khác, có sự liên quan với nhau. Việt Nam mà làm tốt về thể thao, bóng đá thì đó là sự giới thiệu đất nước của chúng ta với bạn bè thế giới.
Chúng tôi không sản xuất ra của cải vật chất, nhưng có sự động viên tinh thần nhân dân, bà con Việt kiều mọi nơi trên thế giới. Có những giải đấu, trận đấu chúng tôi giành thắng lợi, người dân đã “đi bão” để cổ vũ, ăn mừng, từ đó tạo nên tinh thần tốt lên, hưng phấn hơn.
Việc liên hệ đi thi đấu do Nhà nước, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, du Cục Thể dục thể thao, Liên đoàn bóng đá Việt Nam… Khi ra nước ngoài, đi tới đâu chúng tôi cũng được bà con Việt kiều tiếp đón nồng nhiệt.
Theo ông, việc xây dựng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức và cá nhân quốc tế có vai trò quan trọng như thế nào trong việc huy động nguồn lực cho sự phát triển của Việt Nam?
Chúng tôi có rất nhiều người bạn quý sau những chuyến công tác ở nước ngoài. Thậm chí một số lãnh đạo của các CLB lớn, các nhà báo đã nói chuyện và giúp đỡ đội tuyển nữ Việt Nam rất nhiều về tập huấn, thi đấu.
Năm ngoái, khi chúng tôi sang Đức tập huấn chuẩn bị cho vòng chung kết World Cup 2023, bà con Việt kiều ở Đức rất phấn khởi, hồ hởi. Càng tuyệt vời hơn khi chưa bao giờ đội tuyển nữ Việt Nam lại được thi đấu giao hữu với đội tuyển quốc gia nữ Đức.
Nếu ở trong nước, bóng đá nữ Việt Nam không tốt, không phát triển thì các quốc gia trên thế giới ai người ta biết tới mình. Nhưng Việt Nam vào tới World Cup thì họ mời sang thi đấu. Đó là điều rất vinh dự. Đó cũng cơ hội để bóng đá nữ Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước, con người ra thế giới.
Các tổ chức, cá nhân quốc tế đánh giá ra sao về bóng đá nữ Việt Nam, và những mối quan hệ này có gợi mở gì cho ông về sự kết nối trong tương lai?
Họ hiểu được thực trạng và hoàn cảnh của bóng đá Việt Nam, và trong câu chuyện thì tất cả đều muốn giúp đỡ rất chân thành. Cái đầu tiên mà họ ấn tượng với đội tuyển nữ Việt Nam là tình yêu của người hâm mộ. Có những CĐV Việt kiều cách tới 500-600 km nhưng vẫn đến để cổ vũ cho chúng tôi. Họ tập hợp nhiều xe khách, kéo tới sân rất đông. Bạn phải hiểu cảm xúc khi được nhìn thấy cờ đỏ sao vàng rợp trời tuyệt vời như thế nào.
Ở trận gặp đội tuyển Đức, không ai ngờ chúng tôi ghi được bàn thắng rất đẹp và chỉ thua 1-2. Người ta nghĩ là Việt Nam phải thua trên 5 bàn. Đó là trận mà tinh thần của người Việt Nam được thể hiện trên sân, khiến bà con Việt kiều và kể cả các CĐV chủ nhà Đức đều rất sung sướng.
Ngoài thành công cùng đội tuyển nữ Việt Nam, ông luôn là tấm gương cho sự hy sinh, bền bỉ và tận tâm. Trong một thế giới đầy biến động, giá trị cốt lõi càng có giá trị, ông đang làm gì để tiếp tục lan tỏa, tạo niềm cảm hứng với cầu cầu thủ Việt Nam, các đồng nghiệp và bạn bè thế giới?
Tôi không nghĩ mình đến mức độ như vậy đâu. Nhưng tôi vẫn còn có trách nhiệm với các cầu thủ nữ, với bóng đá nữ Việt Nam. Mặc dù tôi đã nhiều tuổi rồi nhưng vẫn có thể tham gia các buổi tham luận, góp ý về chuyên môn… cho bóng đá nữ Việt Nam tốt lên. Đặc biệt với các HLV, VĐV, tôi luôn luôn có sự nhắc nhở họ phải có sự đam mê, tinh thần nhiệt huyết. Tôi như một người thầy, người bố, người bác, người chú, người bạn….
Tôi có một trăn trở là với một đất nước Việt Nam đang đổi mới, nền kinh tế đang phát triển được thế giới đánh giá cao, tại sao nền bóng đá Việt Nam lại chưa được tốt?. Tất nhiên bóng đá phải song hành với nhiều thứ, và đặc biệt bóng đá phải giúp nhân dân có tinh thần tốt, sức khỏe tốt để lao động, sản xuất ra nhiều của cải…
Theo ông, những giá trị và những yếu tố nào nên được quan tâm, được đưa vào chiến lược phát triển toàn diện của Việt Nam, giúp bóng đá Việt Nam vươn tầm thế giới trong môi trường đầy thách thức hiện nay?
Muốn thực hiện được các chiến lược và mục tiêu, tất nhiên ngoài dài hạn thì ngắn hạn cũng rất quan trọng. Ngắn hạn ở đây là cần có sự kết hợp giữa các cá nhân, nhà tài trợ, nguồn lực, nhân dân, gia đình…
Ở Nhật Bản, các cầu thủ trẻ muốn học bóng đá phải đóng hết các chi phí. Nhà nước chỉ làm công tác huấn luyện, định hướng. Đó là mô hình của một nền bóng đá phát triển không bao cấp. Nếu cứ dựa vào ngân sách nhà nước thì nảy sinh ra nhiều vấn đề.
Chiến lược ngắn hạn chúng ta thực hiện được ở tầm khu vực rồi, đó là các chức vô địch khu vực, HCV SEA Games, sắp tới là tầm châu lục, thế giới. Chúng ta cũng phải coi bóng đá là một ngành nghề, chứ không phải chỉ là chơi cho vui.
Ngành thể dục thể thao, các CLB phải đào tạo được nguồn cầu thủ tốt, tạo nền tảng về tầm vóc, thể lực, kỹ năng và tư duy, chứ không được ăn xổi. Muốn lâu dài thì bóng đá Việt Nam phải có một chân đế thật vững, đào tạo bóng đá từ học đường tới các giải quốc gia, kết hợp với nguồn tài nguyên cầu thủ nước ngoài và nâng cao vị thế ở đấu trường quốc tế.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Tác giả: Thái An - Đại Nam
Thiết kế: Nguyễn Cúc