Những ngày cuối tháng 4, các chiến sĩ Sư đoàn Bộ binh 5 (Sư đoàn 5, thuộc Quân khu 7), bước vào đợt huấn luyện bắn đạn thật trên thao trường. Nắng miền Đông chói chang, rát rạt, giương khẩu súng trường ngắm bắn, từng giọt mồ hôi tràn khắp mặt những chàng trai tuổi mười tám đôi mươi.

Kết thúc đợt ngắm bắn, cầm khẩu súng trường trên tay vẫn còn run run, chiến sĩ Lừu Đức Vinh (18 tuổi, quê huyện Tân Phú, Đồng Nai) chia sẻ, dù đã được làm quen và tập rượt, nhưng khi tham gia bắn đạn thật và để ngắm bắn trúng bia thì hầu hết các chiến sĩ đều khá căng thẳng.

Tham gia kiểm tra và động viên chiến sĩ, Đại tá Phạm Anh Tuấn, Chính ủy Sư đoàn 5 cho biết, đơn vị đang tổ chức cho Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 5 bắn phân đoạn bài bắn bia số 8, đứng bắn, một trong những chương trình huấn luyện của chiến sĩ mới.

“Mục đích bắn là để anh em làm quen với tiếng nổ và thử xem quá trình huấn luyện của mình bắn được như thế nào. Từ đó, cán bộ huấn luyện rồi bộ đội rút kinh nghiệm trong quá trình luyện tập”, Đại tá Tuấn nói thêm.

Bày tỏ về việc huấn luyện, rèn luyện chiến sĩ trẻ, Đại tá Tuấn nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn nhắc nhở chiến sĩ, phải luôn quyết tâm rèn luyện cao vì “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, thì mới nâng cao được tính cơ động, sẵn sàng trong mọi tình huống khi thực hiện nhiệm vụ”.

Theo Đại tá Tuấn, Sư đoàn 5 luôn được đánh giá là nơi huấn luyện giỏi và sẵn sàng chiến đấu cao. Cán bộ, chiến sĩ sư đoàn luôn xác định, trong huấn luyện phải quán triệt “một phút hăng say hơn một ngày chiếu lệ”. 

Đây là những khẩu hiệu luôn được căng ở thao trường huấn luyện các chiến sĩ.

Trong những ngày bùng phát dịch Covid-19, TP.HCM buộc phải tăng cường biện pháp cách ly “ai ở đâu thì ở đó” và câu chuyện cung cấp thực phẩm thiết yếu cho người dân gặp nhiều khó khăn.

Để giải tỏa áp lực, Bộ Quốc phòng quyết định điều quân vào thành phố vừa tham gia chống dịch, vừa thực hiện nhiệm vụ “cứu dân” với việc chuyển tải lương thực.

Đại tá Phạm Anh Tuấn cho biết, trong cuộc điều quân của Bộ Quốc phòng, Sư 5 đã cơ động hơn 3.000 cán bộ, chiến sĩ về TP.HCM, Long An, Bình Dương và Tây Ninh… giúp dân chống dịch.

Trong đợt tăng cường đó, những chiếc xe đạp thồ của Điện Biên Phủ năm xưa đã được chiến sĩ Sư 5 tái hiện lại trong việc chở nhu yếu phẩm vào những hẻm nhỏ, hẻm sâu trên địa bàn TP.HCM để trao tận tay người dân.

Về ý tưởng đưa xe đạp thồ “huyền thoại” vào TP.HCM chống dịch, Đại tá Phạm Anh Tuấn chia sẻ, khi Sư 5 cơ động vào thành phố giúp dân chống dịch cũng là lúc các lực lượng tại chỗ đã căng mình và rất vất vả.

“Lúc về thành phố, Sư 5 nhận nhiệm vụ tuần tra, canh gác, bảo đảm an ninh trật tự, vận chuyển nhu yếu phẩm đến tay người dân để cầm cự với đại dịch. Khi đó, các phương tiện như xe tải nhỏ, xe rùa, xe đẩy của siêu thị… được cán bộ chiến sĩ tận dụng để chuyển tải thực phẩm cho dân.

Tuy nhiên, địa bàn thành phố có nhiều hẻm nhỏ, khó vào nên chuyển chở hàng rất hạn chế, hàng hóa dễ hư hỏng và rất vất vả cho các chiến sĩ. Ngay cả cáng thương cũng được sử dụng để đưa hàng vào các con hẻm. Nhưng hiệu quả của các phương tiện này không phát huy được tác dụng và mất sức anh em”, Đại tá Tuấn cho biết.

Nhớ lại những quyết định sáng suốt, nhanh chóng khi đó, Chính ủy Sư đoàn 5 chia sẻ: “Phòng hậu cần đã nghiên cứu lại những phương cách, phương tiện vận chuyển hàng hóa, vũ khí vào chiến trường năm xưa và đề xuất đưa các xe đạp thồ lưu giữ trong kho ra thử nghiệm. Qua đó cho thấy xe đạp thồ có thể chuyên chở từ 300-400kg hàng, có thể đi được xa và thuận lợi khi vào các hẻm sâu, hẻm nhỏ”.

Ngay sau khi tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ, Sư đoàn 5 đã điều động khoảng 30 xe đạp thồ để vận chuyển nhu yếu phẩm.

Trong những ngày tháng căng mình với đại dịch Covid-19, người dân ở TP.HCM đã rất bất ngờ khi thấy hình ảnh những chiếc xe đạp thồ “huyện thoại” được các chiến sĩ sử dụng thành thạo trong việc chuyên chở hàng hóa đến tay người dân.

XEM VIDEO:

Nhờ cơ động vận dụng những chiếc xe này, Sư đoàn 5 đã vận chuyển được hơn 5.000 tấn lương thực, thực phẩm; hơn 500.000 túi quà an sinh và hơn 15.000 đơn hàng mua hộ đến tay người dân. 

“Qua hình ảnh xe đạp thồ, một lần nữa khẳng định tinh thần tự lực tự cường, sáng tạo, quyết tâm khắc phục khó khăn để “chống dịch, cứu dân” của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5. Nó thực sự trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết quân dân, đại đoàn kết toàn dân tộc trong phòng, chống dịch, góp phần tỏa sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Cách sử dụng xe đạp thồ vận chuyển hàng hóa hỗ trợ nhân dân của Sư đoàn 5 được thủ trưởng các cấp đánh giá cao, chỉ đạo nhiều đơn vị, địa phương nhân rộng thực hiện”, theo Đại tá Tuấn.

Ngày 23/11/1965, tại vùng núi Mây Tàu (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Sư đoàn Bộ binh 5 - Quân khu 7 được thành lập. Là một trong hai sư đoàn chủ lực của miền Đông Nam Bộ, Sư đoàn 5 đã lập nhiều chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở giai đoạn quyết liệt nhất, góp phần vào Chiến thắng 30/4/1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tiếp đó, Sư đoàn 5 là một trong những đơn vị chủ lực làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng của Pol Pot.

Trong hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Sư đoàn 5 phát huy truyền thống, tiếp tục lập những thành tích nổi bật, nhiều năm liền là đơn vị vững mạnh toàn diện, một trong những ngọn cờ đầu của lực lượng vũ trang Quân khu 7…

Đại tá Phạm Anh Tuấn cho biết, Sư đoàn 5 với truyền thống hai lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trải qua hơn 56 năm chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, Sư đoàn đã lập được nhiều chiến công vẻ vang. Hiện nay, Sư đoàn 5 được lệnh đóng quân ở biên giới Tây Ninh, thực hiện sứ mệnh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và luôn sẵn sàng cơ động trong mọi tình huống.

Vị Chính ủy Sư đoàn 5 nhấn mạnh, trong chiến đấu, Sư đoàn luôn phát huy được truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam, sẵn sàng hy sinh bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước.

Trong thời bình, Sư đoàn vẫn tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng mà các thế hệ đi trước tạo hình, vun đắp. Cán bộ, chiến sĩ Sư 5 luôn xác định, Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Trong chiến đấu sẵn sàng hy sinh, trong thời bình phải làm tốt ba chức năng. Cụ thể, ngoài huấn luyện để sẵn sàng chiến đấu, Sư đoàn còn tham gia xây dựng chính quyền cơ sở ngày càng vững mạnh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

“Xác định là một thành tố trong khu vực phòng thủ của địa phương, Sư 5 luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương để xây dựng các kế hoạch giữ gìn an ninh chính trị trên địa bàn đóng quân”, Đại tá Tuấn chia sẻ.

Cụ thể, Đại tá Tuấn cho biết, lực lượng Sư 5 ngoài tăng gia sản xuất để tự cung, tự cấp, còn trích một phần hỗ trợ nhân dân trong việc khám chữa bệnh; xây dựng nhà tình thương; nhà tình nghĩa quân dân cho đồng bào nghèo ở khu vực biên giới.

Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ còn tham gia làm đường giao thông nông thôn, thường xuyên ra quân tổng vệ sinh làm xanh, sạch khu vực địa bàn đóng quân; tham gia xây dựng các cơ sở giáo dục; chia sẻ tình thương với các chốt biên phòng đóng trên biên giới Tây Nam….

Đặc biệt là chương trình truyên truyền lòng yêu nước, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc cho học sinh, sinh viên, công nhân. Để bớt khô khan và nhàm chán, Đại tá Tuấn cho biết mỗi đợt này đều kèm theo kế hoạch giao lưu văn hóa, ca nhạc cho thêm phần sinh động, thu hút người nghe để tạo được hiệu quả cao.

Xem clip các chiến sĩ tập bắn đạn thật ở thao trường:

Hồ Văn - Thu Anh - Thiết kế: Hồng Anh

Quân dân miền Đông Nam Bộ trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sửCuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã lùi xa, nhưng những bài học về tổ chức sử dụng lực lượng, giáo dục chính trị và dân vận… trong Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn có giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc.