Hiệp hội này cho hay, vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh những bất cập khi thực hiện Nghị định 18/2021/NĐ-CP và các thủ tục hải quan hiện hành.
Trong đó, nổi cộm nhất là sự bất bình đẳng trong việc nộp thuế nhập khẩu theo hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ.
Theo Điều 1 Nghị định 18, sản phẩm xuất khẩu tại chỗ không được miễn thuế xuất khẩu. Người xuất khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu tại chỗ và kê khai nộp thuế xuất khẩu theo mức thuế suất và trị giá của sản phẩm xuất khẩu tại chỗ.
Hiệp hội Dệt may kiến nghị miễn thuế nhập khẩu vải trong nước (ảnh: Băng Dương) |
Sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình nhập gia công được miễn thuế nhập khẩu nếu người nhập khẩu tại chỗ đáp ứng quy định tại khoản 2, Điều 10 của Nghị định này.
Sản phẩm nhập khẩu tại chỗ theo loại hình khác thì người nhập khẩu tại chỗ kê khai, nộp thuế thoe mức thuế suất và trị giá tính thuế của sản phẩm nhập khẩu tại chỗ.
VISTA phân tích, bất cập xảy ra là, doanh nghiệp nội địa xuất khẩu tại chỗ sản phẩm cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu phải nọp thuế xuất khẩu cho sản phẩm xuất ra. Đồng thời, doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm tại chỗ cũng phải nộp thuế nhập khẩu cho sản phẩm nhập tại chỗ. Như vậy, một đối tượng hàng hoá, cả 2 doanh nghiệp đều phải nộp thuế.
Thực tế, hàng nhập khẩu tại chỗ sử dụng để sản xuất xuất khẩu sau cùng cũng xuất ra nước ngoài, không tiêu thụ trong thị trường Việt Nam thì theo quy định tại Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải được miễn thuế.
Vấn đề nộp thuế ngay sau đó được hoàn lại, khi chứng minh là thực sự xuất khẩu gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp, vì phải huy động một số tiền lớn đẻ đóng thuế và mất rất nhiều thời gian để hoàn thành các thủ tục nộp và hoàn thuế sau đó.
Một quy trình và thủ tục thuế như vậy là làm tăng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý, không khuyến khích hàng sản xuất xuất khẩu, gây bất bình đẳng với hàng gia công xuất khẩu. Hàng nhập khẩu tại chỗ để gia công xuất khẩu được miễn thuế mà hàng nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu lại không được miễn thuế.
Việc này dẫn tới, chính sách đang không ưu tiên doanh nghiệp sử dụng vai trong nước để sản xuất khẩu khẩu mà lại khuyến khích doanh nghiệp lựa chọn hình thức gia công, thay vì tìm cách nâng cao vị trí của ngành dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Do vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ cho phép miễn thuế nhậ khẩu với hàng nhập tại chỗ để sản xuất hằng xuất khẩu, từ đó, tạo sự bình đẳng với hình thức gia công xuất khẩu, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang phương thức xuất khẩu mua đứt bán đoạn (FOB) thay vì khuyến khích gia công.
Thu Ngân
Dệt may: Không thiếu việc, chỉ lo thiếu nhân công
Khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, đã có ít nhất 45 doanh nghiệp dệt may phải ngừng sản xuất. Thiếu hụt lao động cũng là mối lo lớn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp khó thu hút lao động, trong khi chi phí ngày càng tăng.