Để sớm tận dụng được các lợi thế từ Hiệp định, PGS. TS. Phạm Thị Thanh Bình, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Th.S.Vũ Nhật Quang Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới nêu một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam:

Thứ nhất, cần nhanh chóng đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải đổi mới công nghệ, sáng tạo mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sản phẩm thì mới có thể cạnh tranh được với hàng hoá của EU trên thị trường nội địa Việt Nam.

Tăng cường hơn nữa năng lực, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng vận hành máy móc hiện đại, thành thạo kỹ năng vận hành sản xuất sẽ giúp Việt Nam thu hút tốt hơn đầu tư từ EU và các quốc gia khác. Cùng với đó, để thu hút dòng vốn từ các doanh nghiệp EU, Việt Nam cũng cần tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, từ đó có các chính sách phù hợp, tăng tính hấp dẫn môi trường đầu tư.

Sản phẩm dệt may của Việt Nam có nhiều cơ hội vào thị trường EU

Thứ hai, cập nhật thông tin kịp thời về thị trường EU. Để hạn chế tăng nhập khẩu từ một quốc gia, EU quy định khá nghiêm ngặt đối với hàng nhập khẩu và thường áp dụng rào cản kỹ thuật như đã sử dụng "thẻ vàng" đối với hàng thủy sản của Việt Nam, luật chống bán phá giá…. Vì vậy Việt Nam cần thực hiện nghiêm túc quy định về xuất xứ sản phẩm để được hưởng thuế ưu đãi; cần theo dõi cập nhật thông tin về thị trường EU để ứng phó kịp thời khi EU áp dụng các biện pháp trên để tránh thiệt hại lớn.

Thứ ba, tiếp tục cải cách thể chế và tái cấu trúc doanh nghiệp. Để thực thi EVFTA có hiệu quả, cần tiếp tục cải cách thể chế, thực thi thể chế. Các vấn đề về chống tham nhũng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động như tiền lương, bảo hiểm xã hội, chống cưỡng bức lao động, làm thêm giờ... là những vấn đề Việt Nam đang tiến hành nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nhà đầu tư từ EU khi nhiều tập đoàn kinh tế lớn của EU đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cũng phải tái cấu trúc lại về quản trị, công nghệ để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, vệ sinh, kỹ thuật, phát triển bền vững...

Thứ tư, tăng cường hợp tác và hội nhập doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hội nhập là không chỉ tuân thủ hiệp định mà còn vận dụng có lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy doanh nghiệp có thể vươn lên tận dụng lợi thế, ưu đãi thuế quan và khả năng thâm nhập thị trường. Nâng cao tiềm lực và mở rộng quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp theo chuỗi cung ứng trong từng sản phẩm được hình thành tại các cụm công nghiệp chuyên ngành để tận dụng cơ sở hạ tầng kỹ thuật- xã hội, tiết kiệm chi phí logistics, hạ thấp giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường đầy tiềm năng và khó tính như EU. Tập trung xây dựng cụm công nghiệp hỗ trợ một số sản phẩm chủ lực nhằm giúp Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao của thế giới, tạo ra giá trị gia tăng ngày càng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

EU tập hợp 27 quốc gia ở khu vực châu Âu với dân số hơn 740 triệu người, tổng GDP khoảng 16,7 nghìn tỷ USD (2021), là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới (sau Mỹ và Trung Quốc). Tham gia EVFTA giúp Việt Nam có được nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối diện với nhiều thách thức buộc Việt Nam phải tiến hành cải cách. Những cuộc cải cách của Việt Nam sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao nền tảng kinh tế giúp bộ máy chính trị vận hành hiệu quả và minh bạch hơn. Nhờ hiệu ứng tích cực từ EVFTA, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU chắc chắn sẽ chuyển đổi theo hướng lợi ích, chất lượng hơn. 

 Hồ Nhụy (lược ghi), Minh Hưng, Khánh Hòa