CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) vừa công bố báo cáo tài chính. Trong quý IV/2023, BAF ghi nhận doanh thu đạt 1.625 tỷ đồng, giảm 24,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế lỗ kỷ lục 29,46 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi 6,55 tỷ đồng. Đây là lần tiên doanh nghiệp ghi nhận lỗ kỷ lục từ khi niêm yết tới nay.

Luỹ kế trong năm 2023, BAF ghi nhận doanh thu đạt 5.250,4 tỷ đồng, giảm 25,9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi 23,38 tỷ đồng, giảm 91,9% so với cùng kỳ. Công ty không hoàn thành kế hoạch đề ra.

Theo giải trình của BAF, giá bán ở đầu năm đã duy trì ở nền thấp và tạo đáy vào quý IV/2023. Tình hình kinh tế chung khó khăn ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ. Sản lượng heo bán ra chưa tăng trưởng ứng với quy mô đàn. Các trang trại mới được đưa vào vận hành cần thời gian cho lứa đầu và điểm rơi sản lượng đầu ra sẽ vào năm 2024.

Từ sau tháng 5, công ty đã giữ lại toàn bộ lượng heo cai sữa để nuôi lớn bán lấy thịt thay vì bán heo cai sữa sớm như trước đây. Điều này giúp BAF không bị buộc phải bán heo cai sữa trong giai đoạn thị trường giá thấp đồng thời tối ưu được lợi ích kinh tế khi bán heo thịt. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ kéo một phần sản lượng 2023 chuyển sang 2024.

Cuối tháng 10/2022, BaF trở thành cái tên được chú ý khi ra mắt thương hiệu thịt "heo ăn chay". Đây là sản phẩm từ đàn heo chỉ ăn thức ăn chứa gốc đạm thực vật, nghĩa là đàn heo do BaF chăn nuôi không sử dụng cám có chứa thành phần từ gốc đạm động vật (như bột huyết, bột xương thịt, bột lông vũ, bột cá).

Đối thủ của “heo ăn chay” là “heo ăn chuối” của Bầu Đức. Mới đây, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của Bầu Đức công bố nghị quyết HĐQT về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần sở hữu tại CTCP Bapi Hoàng Anh Gia Lai. 

Trước đó, phát biểu tại lễ ra mắt sản phẩm heo ăn chuối, bầu Đức từng cho biết với sản phẩm này giúp tập đoàn bước sang trang mới tươi sáng hơn.

Được biết, Bapi HAGL thành lập vào tháng 5/2022, phân phối các sản phẩm từ heo ăn chuối của HAG như thịt tươi và các sản phẩm chế biến. Công ty này có trụ sở chính tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai cùng hệ thống hơn 30 điểm bán heo ăn chuối ở Hà Nội, Hưng Yên, Đà Nẵng, Đồng Nai, Vũng Tàu, TP.HCM…

HAG sở hữu đến 55% vốn tại Bapi HAGL. Tại cuộc gặp gỡ cổ đông tháng 8/2023, ông Đức thừa nhận Bapi HAGL thua lỗ từ năm 2022.

Tin doanh nghiệp niêm yết

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn. 

* ABB: Tổng tài sản của ABBank tại thời điểm cuối năm 2023 đạt 161.966 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng đạt 102.448 tỷ đồng, tăng 15,7% so với năm 2022. Huy động từ khách hàng đạt 115.654 tỷ đồng, tăng 25,9%.

* HDC: CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco) ghi nhận lãi 47,55 tỷ đồng trong quý IV/2023, luỹ kế cả năm 2023 lãi 131,59 tỷ đồng, giảm 68,7% so với cùng kỳ.

* LTG: CTCP Tập đoàn Lộc Trời ghi nhận lãi 247,77 tỷ đồng trong quý IV/2023, luỹ kế cả năm 2023 ghi nhận lãi 265,1 tỷ đồng.

* NTL: CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm thống nhất dự kiến một số chỉ tiêu kinh doanh năm 2024 với doanh thu 750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng.

* POM: CTCP Thép Pomina thông qua việc tạm dừng triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược Nansei.

* HSG: Ông Trần Ngọc Chu, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen đăng ký bán 1,5 triệu cổ phiếu từ ngày 1/2-1/3 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. 

* VCG: Nhóm cổ đông lớn do Dragon Capital quản lý tại Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam đã mua vào hơn 1,25 triệu cổ phiếu trong ngày 25/1. Nhóm này đang nắm hơn 43,98 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 8,23%.

* ALT: Ông Hoàng Minh Anh Tú, Tổng giám đốc CTCP Văn hóa Tân Bình đăng ký mua 320.000 cổ phiếu từ ngày 30/1-28/2 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. 

*  TNG: Ông Nguyễn Mạnh Linh, Ủy viên HĐQT CTCP Đầu tư và Thương mại TNG đăng ký bán 1,63 triệu cổ phiếu từ ngày 31/1-28/2 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. 

VN-Index

Chốt phiên 29/1, VN-Index tăng 0,02 điểm lên 1.175,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 666,54 triệu đơn vị, giá trị 14.288,64 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,17%) xuống 229,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52,42 triệu đơn vị, giá trị 896,64 tỷ đồng. 

UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,11%) xuống 87,6 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 25,19 triệu đơn vị, giá trị 427,23 tỷ đồng.

Nhận định thị trường, theo Chứng khoán VietCap, VN-Index có thể xuất hiện nhịp giảm để kiểm định hỗ trợ MA10 tại vùng 1.173 điểm. 

Nếu lực bán không mạnh, thể hiện qua sự sụt giảm thanh khoản khi VN-Index ở vùng dưới tham chiếu, chỉ số có thể sẽ hồi phục, thậm chí tăng trở lại về phía cuối ngày. 

Ở kịch bản này, VN-Index sẽ khôi phục lại tín hiệu tăng điểm để hướng lên kháng cự gần nhất tại 1.190-1.195 điểm.

Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, khả năng VN-Index tiến tới mốc kháng cự mạnh 1200-1.210 điểm trước dịp nghỉ tết âm lịch vẫn còn khá cao. Đây là ngưỡng khuyến nghị thực hiện hóa lợi nhuận sau 6 tuần nắm giữ danh mục trước đó.