Hệ thống “đơ” và những lời xin lỗi

Điển hình như vào ngày 8-4-2022, nhà đầu tư có tài khoản giao dịch chứng khoán tại một công ty chứng khoán có thị phần môi giới hàng đầu đã không thể nào truy cập vào hệ thống giao dịch trên cả nền tảng ứng dụng di động và trang web. Điều đáng nói là chỉ trong một thời gian ngắn (từ cuối tháng 3), hệ thống giao dịch của công ty này đã bị lỗi tương tự đến ba lần.

Một sự kiện hy hữu khác xảy ra vào ngày 6-4-2022, các khách hàng của Công ty Chứng khoán VNDirect (VND) đều không thể đăng nhập vào trang web của công ty này và cả trang giao dịch chứng khoán. Lý do thì hoàn toàn gây bất ngờ: tên miền vndirect.com.vn và các trang mở rộng khác đã hết hạn sử dụng!

Thậm chí, có trường hợp lỗi phát sinh nhiều lần trong một ngày giao dịch, hệ thống không cập nhật chính xác số tiền và tài sản trong tài khoản của khách hàng hay hệ thống từ chối cho đăng nhập vì có dấu hiệu bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS).

Mặc dù các công ty chứng khoán đều có sự nỗ lực để nhanh chóng khắc phục ngay lập tức khi có sự cố xảy ra nhưng rõ ràng tình trạng này gây nên nhiều phiền toái, thậm chí gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư. Điều trùng hợp đáng suy ngẫm là thời điểm phát sinh lỗi trong không ít trường hợp lại trùng khớp với những lúc thị trường đang có những biến động lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyết định mua/bán, cắt lỗ/chốt lời của nhà đầu tư.

Nhà đầu tư cứ thế kêu than và bức xúc còn công ty chứng khoán thì lại tiếp tục phát hành thông cáo xin lỗi. Thế là xong chuyện!

Không ai chịu trách nhiệm?

Trên một diễn đàn nọ, có nhà đầu tư đặt câu hỏi: “Tôi vừa thiệt hại thì tôi tìm ai để đòi bồi thường?”. Hàng loạt bình luận bên dưới nhưng có cùng một thông điệp: “Ráng chịu đi bạn ơi. Trước giờ đâu thấy ai được bồi thường và đâu ai chịu trách nhiệm bồi thường. Coi như xui thôi”.

Nếu quan sát diễn đàn của các nhà đầu tư trên nền tảng mạng xã hội sẽ thấy những nội dung kiểu này khá quen thuộc và xuất hiện mỗi khi hệ thống giao dịch của một công ty chứng khoán nào đó bị lỗi. Đây không chỉ đơn thuần là những lời bình luận phím mà ẩn đằng sau đó là hàng loạt những vấn đề còn bỏ ngỏ nhiều năm nay tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Lỗi hệ thống giao dịch vẫn thường xuyên diễn ra, thiệt hại của nhà đầu tư là có thật thế nhưng thiếu người chịu trách nhiệm.

Theo thông lệ quốc tế, khái niệm người tiêu dùng bao trùm lên công chúng đầu tư trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán. Theo đó, nhà đầu tư được bảo vệ như một người tiêu dùng trong khuôn khổ các đạo luật về giao dịch công bằng, bảo vệ người tiêu dùng…

Bản chất mối quan hệ giữa nhà đầu tư (khách hàng) và công ty chứng khoán là hợp đồng dịch vụ. Công ty chứng khoán là bên cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư là người sử dụng dịch vụ.

Về nguyên tắc, chất lượng dịch vụ sẽ quyết định mức phí dịch vụ và khi dịch vụ không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại thì bên cung cấp dịch vụ phải bồi thường cho khách hàng. Thế nhưng, thực tế đang diễn ra cho thấy, công ty chứng khoán hầu như không có động thái nào về việc miễn giảm phí dịch vụ hay bồi thường thiệt hại cho khách hàng khi các lỗi kỹ thuật xảy ra (bất kể nguyên nhân).

Bởi lẽ, các công ty chứng khoán, bằng cách này hay cách khác, đều cố gắng tuyên bố về việc miễn trừ trách nhiệm đối với mọi thiệt hại xảy ra do lỗi kỹ thuật, lỗi hệ thống hay thậm chí là liên quan đến giao dịch điện tử nói chung. Phần lớn nội dung này được thiết kế như một điều khoản tại hợp đồng mở tài khoản giao dịch hay điều khoản giao dịch chung (đính kèm hợp đồng), có trường hợp được tuyên bố công khai tại trang web dưới dạng “Bản công bố rủi ro”.

Điều đáng nói, những nội dung này được thiết kế với ý chí mang tính đơn phương của công ty chứng khoán, tuy có thể thể hiện dưới dạng hợp đồng hay đính kèm hợp đồng nhưng đều là mẫu do chính các công ty này soạn thảo. Hầu như khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư phải chấp nhận toàn bộ điều khoản và ký hợp đồng. Đây được xem là “kim bài” miễn trách nhiệm của các công ty chứng khoán. Vin vào đây, họ từ chối trách nhiệm bồi thường.

Thực trạng này cho thấy, cơ chế kiểm soát hợp đồng mẫu, điều khoản giao dịch chung hiện nay tồn tại nhiều khiếm khuyết. Bởi lẽ, rõ ràng nhà đầu tư là một bên yếu thế trong mối quan hệ sử dụng dịch vụ của công ty chứng khoán nhưng các hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung do các công ty này soạn thảo không qua cơ chế kiểm soát cần thiết. Lẽ ra, các điều khoản miễn trừ trách nhiệm phải được kiểm soát chặt chẽ hơn đồng thời với việc yêu cầu làm rõ cơ chế xác định trách nhiệm bồi thường.

Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp – bị quên và bỏ

Thật ra, vấn đề bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư do sự cố kỹ thuật của công ty chứng khoán đã từng được dự liệu và quy định tại Luật Chứng khoán năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2010. Theo đó, các công ty chứng khoán phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty hoặc trích lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty.

Người viết cho rằng đây là một quy định rất tiến bộ vì đã đặt vấn đề bảo vệ nhà đầu tư vào trọng tâm. Rõ ràng, với quy định này, nhà làm luật cũng đã thể hiện rõ quan điểm, những thiệt hại của nhà đầu tư phát sinh từ sự cố kỹ thuật của chính công ty chứng khoán cũng cần được bồi thường nhưng theo một cơ chế mang tính phân tán rủi ro cho các bên liên quan.

Rất tiếc, quy định này dường như bị lãng quên và không được quan tâm đúng mức, từ phía các công ty chứng khoán lẫn cơ quan quản lý, giám sát thị trường. Hệ quả là chỉ một vài công ty chứng khoán nhỏ lẻ tiến hành mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp nhưng cũng không duy trì được lâu dài. Thế rồi, quy định này chính thức bị xóa bỏ khi ban hành Luật chứng khoán năm 2019, nhưng điều đáng nói là không có cơ chế nào khác để thay thế. Do đó, vấn đề tiếp tục bị bỏ ngỏ.

Nhà đầu tư không được xem là người tiêu dùng

Theo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, người tiêu dùng được định nghĩa là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức (điều 3.1). Nội hàm nhận diện người tiêu dùng theo luật chỉ xoay quanh các nhu cầu tiêu thụ giản đơn đã dẫn đến sự ngộ nhận về khái niệm tiêu dùng.

Dựa trên quy định này, cơ quan tài phán trong một vụ việc tranh chấp giữa một nhà đầu tư cá nhân và công ty chứng khoán đã không chấp nhận luận điểm của nhà đầu tư khi nhà đầu tư cho rằng mình có tư cách của một người tiêu dùng(2).

Điều này làm cho nhà đầu tư bị mất quyền được bảo vệ bởi những cơ chế đặc thù của một người tiêu dùng, điển hình như: quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, quyền khởi kiện tập thể, quyền được bảo vệ trước những điều khoản bất lợi hoặc không rõ ràng trong hợp đồng, quyền được ưu tiên trong thủ tục khởi kiện (không phải nộp tạm ứng án phí, miễn chứng minh lỗi, áp dụng thủ tục rút gọn trong một số trường hợp). Mặc dù, xét về vị thế, các nhà đầu tư cá nhân hoàn toàn yếu thế trong mối quan hệ với công ty chứng khoán.

Xét cho cùng, lý do cần phải bảo vệ người tiêu dùng chính vì tính yếu thế của đối tượng này so với người bán hàng hóa, người cung cấp dịch vụ. Theo thông lệ quốc tế, khái niệm người tiêu dùng bao trùm lên công chúng đầu tư trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán. Theo đó, nhà đầu tư được bảo vệ như một người tiêu dùng trong khuôn khổ các đạo luật về giao dịch công bằng, bảo vệ người tiêu dùng, điển hình như ở Anh, Mỹ, Newzealand, Ấn Độ, Singapore,…(3) Do đó, các nhà làm luật cần phải mở rộng khái niệm người tiêu dùng trong Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sắp tới đây để bao trùm lên đối tượng người tiêu dùng tài chính như nhà đầu tư chứng khoán.

Theo thống kê của Trung tâm lưu ký chứng khoán, tính đến cuối tháng 3-2022, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân đạt 4,93 triệu tài khoản, tương đương khoảng 5% dân số. Do đó, sẽ có hàng triệu người là đối tượng cần được bảo vệ trong mối quan hệ với các công ty chứng khoán. Đã đến lúc, những khiếm khuyết trong cơ chế bảo vệ nhà đầu tư cá nhân cần được nhanh chóng lấp đầy. Chỉ có như vậy mới giữ chân được nhà đầu tư.

(Theo Kinh tế Sài Gòn Online)