Một sản phẩm rất nhỏ nhưng lại hết sức quan trọng, nó quyết định vận hành từ ô tô, máy móc cho đến điện thoại hay máy PlayStation 5s và cả chiếc bàn chải đánh răng… đó là con chip điện tử. Và sự thiếu hụt của chip đã tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn trên toàn cầu. Nhiều chuổi sản xuất trên toàn thế giới đang đứng trước nguy cơ đình trệ thì thiếu chip – thiếu đi đầu não vận hành toàn bộ khối máy móc cơ bắp.
Tình trạng thiếu chíp ban đầu xảy ra chủ yếu trong ngành công nghiệp ôtô, sau đó lan rộng ra các ngành nghề khác như truyền thông, điện tử. Với việc mọi công ty sử dụng chip trong sản phẩm đều hoảng sợ và "điên cuồng" gom hàng tích trữ, tình trạng thiếu hụt càng nghiêm trọng, thổi giá chip tăng vọt. Glenn O’Donnell, phó giám đốc nghiên cứu của công ty cố vấn Forrester tin rằng tình trạng thiếu hụt chip có thể kéo dài đến năm 2023.
Theo các nhà phân tích, gốc rễ của cuộc khủng hoảng này là ngành công nghiệp chip toàn cầu phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động sản xuất tại châu Á. Hiện tại, phần lớn hoạt động sản xuất chíp diễn ra tại châu lục này, nơi các công ty lớn như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co Ltd (TSMC) (Đài Loan) và Samsung thầu sản xuất cho hàng trăm công ty chíp.
Lâu nay, Hàn Quốc nổi tiếng là một trong những nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới, trong đó Samsung Electronics Co. và SK hynix Inc. là hai nhà sản xuất chính, chiếm tới 73,6% nguồn cung từ Hàn Quốc trong quý II năm 2020.
Cuộc đua công nghệ |
Là nước đi đầu trong lĩnh vực chip tại châu Á nhưng Hàn Quốc đang phải đối mặt với không ít thách thức gay gắt từ các đối thủ cạnh tranh lớn như hãng sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC).
Hàn Quốc còn đang bị cạnh tranh mạnh mẽ trước việc nhiều quốc gia đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực này để không còn bị lệ thuộc. Các chính phủ ở Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ dự tính chi hàng chục tỉ USD cho các nhà máy sản xuất chất bán dẫn khi tình trạng thiếu chip đang cản trở ngành công nghiệp ô tô và điện tử.
Các công ty Nhật Bản như Canon, Tokyo Electron và Screen Semiconductor Electron sẽ tham gia một chương trình do chính phủ tài trợ 42 tỉ yen (khoảng 385 triệu USD). Nhật Bản muốn đảm bảo rằng họ có thể tạo ra chất bán dẫn tiên tiến trong tương lai và đặt mục tiêu xây dựng một dây chuyền thử nghiệm gần Tokyo với sự giúp đỡ của TSMC.
Ngay cả Ấn Độ, vốn ít cơ sở hạ tầng sản xuất chip, cũng hy vọng sẽ xây dựng một trung tâm thiết kế cho các công ty chip toàn cầu và thu hút các nhà máy bằng các chương trình trợ cấp mới dựa trên sức mạnh của mình.
Tham vọng số 1
Với nhiều lợi thế sẵn có, Hàn Quốc không thể đứng ngoài cuộc chơi này. Tổng thống Moon Jae-in bày tỏ quyết tâm: “Các đối thủ cạnh tranh lớn trên toàn cầu đang tiến hành đầu tư ‘khủng’ để trở thành người đầu tiên chiếm lĩnh thị trường trong tương lai. Các công ty của chúng ta cũng đã mạo hiểm, đổi mới và đã hoàn thành các bước chuẩn bị cho thời kỳ khó khăn”.
Theo Nikkei, chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch đầu tư 510.000 tỉ won (khoảng 450 tỉ USD) của các công ty và tăng cường lợi ích thuế để nâng khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất chip trong nước, giữa lúc thị trường toàn cầu đang thiếu hụt nghiêm trọng thành phần bán dẫn chính.
Hàn Quốc tham vọng vượt lên dẫn đầu |
Kim Yang-paeng, nhà phân tích bán dẫn tại Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc, cho biết, Hàn Quốc đang kêu gọi các nhà cung cấp toàn cầu đến và làm việc với các nhà sản xuất chip trong nước để họ có thể xây dựng một hệ sinh thái trên đất của mình thay vì thấy họ chuyển đến Mỹ và các nơi khác.
Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ nước này đưa ra hàng loạt các chính sách. Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết, sẽ nâng tỷ lệ khấu trừ thuế đối với các khoản đầu tư vào nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn từ mức 30% ở hiện tại lên 40%, mở đường góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho các công ty bán dẫn lớn như Samsung và SK Hynix. Ngoài ra, các nhà sản xuất chip cũng sẽ được hưởng các khoản khấu trừ cao hơn khi đầu tư vào cơ sở vật chất.
Chính phủ đang tìm cách xây dựng một "vành đai bán dẫn Hàn Quốc" trải dài hàng chục km về phía nam Seoul và tập hợp các nhà thiết kế, nhà sản xuất và nhà cung cấp chip.
Cuối năm ngoái, Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc (ICT) cho biết nước này đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển 50 loại chip AI chuyên phục vụ các dịch vụ AI.Với kế hoạch đã đề ra, Hàn Quốc đặt mục tiêu chiếm lĩnh 20% thị trường chip AI toàn cầu vào năm 2030.
Hàn Quốc tham vọng vượt lên dẫn đầu
Trong kế hoạch bán dẫn đầy tham vọng của Hàn Quốc, Samsung Electronics và SK Hynix sẽ đầu tư hơn 510 nghìn tỷ won vào việc nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn từ đây cho đến năm 2030.
Samsung đóng vai trò chủ chốt khi tiết lộ sẽ đầu tư 171.000 tỉ won vào hệ thống tích hợp quy mô lớn (LSI) và các xưởng sản xuất chip đến năm 2030, để “đẩy nhanh nghiên cứu về công nghệ quy trình bán dẫn tiên tiến và xây dựng cơ sở sản xuất mới”. Samsung cho biết số tiền đầu tư mới tăng 38.000 tỉ won so với kế hoạch được công bố trước đó vào tháng 4/2019.
Kim Ki-nam, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc bộ phận giải pháp thiết bị của Samsung, cho hay, toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn đang phải đối mặt với thời khắc bước ngoặt và bây giờ là lúc để vạch ra kế hoạch chiến lược đầu tư dài hạn. Đối với mảng kinh doanh bộ nhớ mà Samsung đã duy trì vị trí dẫn đầu, công ty sẽ tiếp tục đầu tư để giữ vững vị trí.
Trong những năm gần đây, Samsung là nhà sản xuất duy nhất có thể theo kịp TSMC về mặt công nghệ nhưng những bước tiến của hãng vẫn hết sức chậm chạp. Trong khi TSMC vẫn đang là đối tác chính cho những tên tuổi lớn như Apple, Qualcomm và Huawei, Samsung gần như chỉ tập trung cho những dự án của hãng.
Theo tiết lộ từ Gizmochina, Samsung đã nhận được một số đơn đặt hàng sản xuất hàng loạt chip tiến trình 5nm cho modem Qualcomm Snapdragon X60 5G. Bên cạnh Samsung, một số đơn đặt hàng cũng đã được gửi tới TSMC nhằm giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tiến độ hoàn thành của các lô hàng.
Trước đó, Samsung có kế hoạch đầu tư tổng cộng 133 nghìn tỷ won (khoảng 116 tỷ USD) trong thập kỷ tới vào hai lĩnh vực: hệ thống LSI (chip không phải bộ nhớ, như bộ vi xử lý ứng dụng) và xưởng đúc (sản xuất chip theo hợp đồng).
Không chỉ vậy, Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Hà Lan ASML Holdings NV cho biết họ có ý định chi 240 tỷ won để xây dựng một trung tâm đào tạo ở Hwaseong trong khi Lam Research Corp có trụ sở tại California có kế hoạch tăng gấp đôi công suất tại quốc gia này.
Nhìn từ câu chuyện chip và tham vọng của Hàn Quốc cho thấy, việc tăng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu bất ngờ "bùng nổ" không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Các nhà máy chíp thường phải tốn hàng chục tỷ USD để xây dựng. Để tăng sản lượng cần tới nhiều năm để lên kế hoạch và chuẩn bị đủ điều kiện cho hệ thống máy móc phức tạp.
Trong cuộc đua này, các nước đang phát triển như Việt Nam vẫn có thểm tham gia với vai trò trong chuỗi cung ứng giá trị để từ đó có thể bắt kịp với xu thế của công nghệ trong cuộc đua số.
Duy Khánh
Con đường thành người giàu nhất Hàn Quốc của cựu nhân viên IT Samsung
Câu chuyện của Brian Kim cho thấy những tỷ phú tự thân đang từng bước vượt mặt người thừa kế của các tập đoàn khổng lồ.