Tuyên bố ngày 2/1 của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, quân đội nước này đã tiến hành chiến dịch tìm kiếm sau khi phát hiện đối tượng ở phía đông Khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền nam - bắc Triều Tiên lúc khoảng 21h20 tối 1/1.
Hai trạm gác quân sự của Hàn Quốc và Triều Tiên đối diện nhau qua đường phân ranh giữa hai nước gần làng Paju. Ảnh: AP |
"Chúng tôi xác nhận người này đã vượt qua đường phân giới quân sự vào khoảng 22h40 tối 1/1 và đào tẩu sang Triều Tiên", trích thông cáo của JCS.
Nhà chức trách Hàn Quốc nói thêm, họ không thể xác thực liệu trường hợp đào tẩu nói trên còn sống hay không, nhưng họ đã gửi một thông báo tới Triều Tiên qua đường dây nóng quân sự để yêu cầu bảo vệ người này.
Vụ vượt biên vốn bị coi là bất hợp pháp ở Hàn Quốc xảy ra trong bối cảnh Triều Tiên đang thực thi các biện pháp chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt. Bình Nhưỡng đã cho đóng cửa biên giới kể từ đầu năm 2020 dù không xác nhận bất kỳ ca mắc nào.
Theo AP, DMZ là khu phân ranh biên giới được vũ trang dày đặc nhất trên thế giới. Ước tính có khoảng 2 triệu quả mìn được cài cắm bên trong và gần khu vực rộng 248km, dài 4km này, ngoài các hàng rào dây thép gai, bẫy xe tăng và binh lính túc trực ở cả hai bên.
Việc đào tẩu qua DMZ rất hiếm khi xảy ra. Vào thời kỳ đỉnh điểm căng thẳng trong chiến tranh Lạnh, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều cử các đặc vụ và gián điệp xâm nhập lãnh thổ của nhau thông qua khu vực này, nhưng không có vụ việc nào như vậy được báo cáo trong những năm gần đây.
Quan hệ liên Triều đã xấu đi sau khi các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington lâm vào bế tắc kể từ hội nghị thượng đỉnh song phương năm 2019. Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh, do cuộc chiến Triều Tiên 1950 - 1953 kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến thay vì một hiệp ước hòa bình.
Tuấn Anh
>>> Đọc tin thế giới trên Vietnamnet
Ông Kim Jong Un nói Triều Tiên đối mặt 'cuộc đấu tranh sinh tử vĩ đại'
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã có bài phát biểu tập trung nhiều vào các định hướng chính sách trong năm 2022, song bỏ qua các thông điệp về vũ khí hạt nhân hay Mỹ.