Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Hà Tĩnh đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh. Một trong những điểm nhấn quan trọng tỉnh đạt được là thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, cấp nước sạch nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

Thông tin từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ngay từ khi có các văn bản chỉ đạo từ Trung ương có nội dung về công tác bảo vệ môi trường, tỉnh đã ban hành các văn bản để chỉ đạo, điều hành, phân công cụ thể trách nhiệm của các sở, ngành địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện.

13. môi trường hà tĩnh.jpg
Tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn, nhất là đối với chất thải rắn sinh hoạt.

Hiện nay, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn, nhất là đối với chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Chính quyền, đoàn thể các cấp triển khai tuyên truyền, phổ biến kiến thức về cách thức thực hiện phân loại, đồng thời hỗ trợ thiết bị chứa như thùng, giỏ đựng, xử lý xây hố ủ, thùng ủ kết hợp chế phẩm vi sinh tạo phân hữu cơ, chất thải thực phẩm tại hộ gia đình. Trên địa bàn tỉnh có khoảng 190.838 hộ thực hiện phân loại rác và 27 mô hình xử lý chất thải thực phẩm tập trung; theo đó, tổng số hộ thực hiện phân loại rác ở tại hộ và mô hình xử lý tập trung khoảng 191.878/306.501 hộ, đạt tỷ lệ khoảng 62,3%. Ước tính lượng chất thải thực phẩm sau phân loại và tự xử lý tại hộ gia đình khoảng 231,5 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 28% so với tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh (829,8 tấn/ngày).

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một mạng lưới hợp tác xã (HTX), tổ đội vệ sinh môi trường rộng khắp hoạt động thu gom CTRSH tại 13/13 huyện, thành phố, thị xã. Toàn tỉnh hiện có 213 đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý và 13 khu xử lý CTRSH đang hoạt động. Năm 2023, lượng rác phát sinh khoảng 829,8 tấn/ngày; lượng rác được thu gom khoảng 778,9 tấn/ngày, đạt khoảng 93,9% lượng rác phát sinh.

Báo cáo từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh cũng cho biết, toàn tỉnh đã thực hiện 7 mô hình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại 05/13 địa phương. Các địa phương trên địa bàn tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo, triển khai việc thu gom, xử lý bao gói vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng. Theo thống kê của các địa phương, toàn tỉnh xây dựng được khoảng 4.661 bể chứa. Trung bình mỗi năm lượng chất thải vỏ bao bì thuốc BVTV phát sinh khoảng 125 tấn, khoảng 95% lượng bao bì thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom, xử lý đúng quy định.

Tỉnh cũng có 25 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung với công suất thiết kế 25.480 m3/ngày đêm. Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 1.086.000/1.086.000 người, đạt 100,0%; số người dân sử dụng nước đạt quy chuẩn quốc gia là 705.900/1.086.000 người, đạt 65%.

Nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đã xây dựng một số mô hình nổi bật về bảo vệ môi trường, như: xã Cẩm Trung, Cẩm Vịnh - huyện Cẩm Xuyên thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình và thu gom, giám sát việc xử lý chất thải thực phẩm tập trung kết hợp với sử dụng chế phẩm sinh học tạo ra phân hữu cơ; xã Xuân Phổ - huyện Nghi Xuân, xã Cẩm Vịnh, Cẩm Thành - huyện Cẩm Xuyên duy trì cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, đã hình thành các tiểu công viên tại các khu vực công cộng, chỉnh trang vườn hộ, chăm sóc, cắt tỉa hệ thống hàng rào xanh, vệ sinh môi trường sạch sẽ...

Ngoài ra, các tổ chức chính trị xã hội đã hình thành một số mô hình bảo vệ môi trường, tiêu biểu như “Cụm dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp do phụ nữ tự quản”, “Tổ nhà sạch, vườn đẹp”, “Chi hội, CLB gia đình 5 không 3 sạch”, “Tổ ươm mầm xanh, biến rác thành tiền”… Những mô hình này thu hút được nhiều cán bộ, hội viên tham gia, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của cộng đồng hướng đến lối sống xanh, thân thiện với môi trường.

Huệ Anh