Tích cực thực hiện các tiêu chí và khuyến nghị của GGN

Từ ngày 20 - 24/3, Đoàn chuyên gia tư vấn gồm ông Guy Martini, Tổng thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN), ông Trần Tân Văn điều phối viên GGN và Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã tiến hành khảo sát tổng thể nhằm đánh giá và định hướng phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐC) trong giai đoạn 2023 - 2026.

Trong thời gian làm việc tại CVĐC Đồng Văn, Đoàn chuyên gia đã ghi nhận, chúc mừng CVĐC Đồng Văn vượt qua kỳ tái đánh giá lần thứ 3 năm 2022 và cũng đánh giá rất cao những thay đổi tích cực của CVĐC Đồng Văn trong việc thực hiện các tiêu chí và khuyến nghị của GGN.

Các chuyên gia đã kiểm tra thực địa hiện trạng và đánh giá mức độ phát triển trên 4 tuyến đường trải nghiệm, qua đó tư vấn, định hướng cho tỉnh Hà Giang triển khai các nhiệm vụ nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch, giảm tải cho các đô thị, thị trấn trên vùng CVĐC, phát triển các cơ sở đối tác, công tác vận hành, quản lý, đảm bảo giao thông, an toàn cho du khách tại các điểm di sản cũng như phát triển CVĐC theo hướng bền vững.

Sau khi kết thúc chuyến công tác, Đoàn chuyên gia đã trao đổi và tư vấn sơ bộ về định hướng phát triển trong 4 năm tới. CVĐC cần chú trọng đến công tác đầu tư xây dựng hạ tầng cho các điểm du lịch, hỗ trợ, tạo sinh kế cho người dân địa phương, thúc đẩy các mô hình kinh doanh gắn với nghề thủ công truyền thống, giữ gìn và bảo vệ kiến trúc bản địa, kiểm soát chặt chẽ giao thông và an toàn cho du khách tại các điểm di sản…

Một góc Hà Giang

Cân nhắc mở rộng CVĐC nhằm phát huy các giá trị di sản 

Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên địa chất toàn cầu dưới sự bảo trợ của UNESCO vào năm 2010.

Đến nay, công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn đã xuất sắc vượt qua 2 kỳ tái đánh giá tư cách thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, mở ra hướng phát triển bền vững dựa trên các giá trị bản sắc văn hóa, sự kỳ vĩ của cảnh quan thiên nhiên, các di sản độc đáo về địa chất… đóng góp quan trọng trong định hướng cơ cấu phát triển kinh tế - xã hội vùng cao nguyên đá, đặc biệt là kinh tế du lịch tạo sinh kế cho người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo trên chính quê hương của mình.

Hà Giang quyết tâm giữ vững danh hiệu thành viên mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Phát triển công viên theo hướng phát triển bền vững, bảo tồn văn hóa truyền thống, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, cơ cấu lại ngành kinh tế du lịch, nông lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường bền vững, đảm bảo quốc phòng an ninh và ổn định chính trị vùng biên giới phía Bắc.

Tỉnh đang trong hành trình phấn đấu đến năm 2025, phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn thành một khu du lịch đặc biệt, đại diện cho tỉnh Hà Giang với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2030, đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia.

Để đạt được mục tiêu đó, Hà Giang xác định các nhiệm vụ như: tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước sinh hoạt, du lịch, vệ sinh môi trường. Tiếp tục triển khai công tác giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của Công viên địa chất để cùng tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ và giữ gìn các giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa và đa dạng sinh học. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống,  di sản địa chất, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch, xây dựng con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, khơi dậy lòng  tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước góp phần bảo vệ vững chắc chủ  quyền biên giới quốc gia. Cơ cấu lại các ngành kinh tế du lịch, nông lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng để phát triển kinh tế - xã hội. Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn lao động tại chỗ tạo sinh kế cho người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo trên quê hương của mình. Mở rộng hợp tác quốc tế, liên doanh liên kết trong phát triển, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng thực hiện các dự án phát triển phù hợp với các quy định của pháp luật và các quy hoạch phát triển vùng đã được cấp có thẩmquyền phê duyệt.

Thời gian qua đã cho thấy, với vai trò sứ mệnh của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Hà Giang luôn chú trọng công tác giáo dục cộng đồng nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản địa chất, di sản văn hóa, tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, chia sẻ các giá trị di sản để khẳng định giá trị Công viên; biến các giá trị di sản thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội vì sự phát triển bền vững của cộng đồng.

Yên Minh