Gửi 'lệnh bắt' giả lừa cài phần mềm độc hại
Nạn nhân là chị N.T.T.H. (36 tuổi, trú Đà Nẵng) bị đối tượng lừa đảo dẫn dụ cài đặt ứng dụng có chứa mã độc và chiếm đoạt số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Theo trình báo của chị H. tại Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP.Đà Nẵng ngày 8/8, tháng 7/2023, chị bị đối tượng tự xưng là cán bộ Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) đe dọa, cáo buộc tham gia và là đồng phạm nhóm rửa tiền, buôn bán ma túy.
Người này yêu cầu chị H. khai báo lý lịch, quá trình làm việc, di chuyển, các tài khoản ngân hàng đang sử dụng, số tiền có trong tài khoản.
Sau đó đối tượng sử dụng thông tin do chị H. cung cấp làm giả văn bản “Lệnh bắt giữ hình sự và phong tỏa tài sản” của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, để đe dọa và gây áp lực, không cho chị H. liên lạc với người khác.
Vì quá sợ hãi, chị H. đã nghe theo lời của đối tượng lừa đảo.
Đối tượng tiếp tục hướng dẫn chị H. cài đặt ứng dụng tên là “Phần mềm bảo mật” có logo Bộ Công an do đối tượng gửi.
Thực chất, đây là ứng dụng có chứa mã độc nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại nạn nhân.
Sau khi chị H. làm theo thì bị chiếm đoạt số tiền hơn 5 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.
Apple Pay ra mắt tại Việt Nam
Việt Nam trở thành nước thứ ba tại khu vực Đông Nam Á hỗ trợ Apple Pay, sau Malaysia và Singapore.
Theo đó, từ ngày 8/8, sẽ có hàng nghìn địa điểm chấp nhận thanh toán qua Apple Pay, với sự hỗ trợ của một số ngân hàng tại Việt Nam.
Người dùng có thể sử dụng Apple Pay làm công cụ thanh toán online hoặc dùng làm ví ảo chứa các loại thẻ điện tử.
Apple Pay chỉ thêm được thẻ từ các ngân hàng có liên kết với dịch vụ này và hỗ trợ thanh toán tại các cửa hàng, điểm cung cấp dịch vụ có sử dụng máy quẹt thẻ POS.
Một số ưu điểm của Apple Pay dành cho người dùng iPhone và Apple Watch là: Không mất phí khi sử dụng; Hạn chế lộ thông tin so với thẻ vật lý; khi thanh toán iPhone, Apple Watch không cần kết nối mạng.
Yêu cầu Gmobile báo cáo vụ thuê bao tê liệt nhiều tháng
Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đang yêu cầu Gmobile báo cáo về việc thuê bao của họ bị cắt sóng nhiều tháng khiến khách hàng bức xúc.
Chia sẻ tại buổi họp báo của Bộ TT&TT ngày 8/8/2023, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay, Cục đã nhận được ý kiến phản ánh của khách hàng sử dụng mạng Gmobile về việc nhà mạng tắt sóng trong thời gian qua.
“Cục Viễn thông đã đề nghị Gtel Mobile - đơn vị chủ quản của mạng Gmobile phải nghiên cứu, có giải pháp xử lý phản ánh của khách hàng”, đại diện Cục Viễn thông cho biết.
Trước đó, nhiều khách hàng của Gmobile đã gửi thư đến VietNamNet phản ánh về việc nhà mạng cắt sóng từ trước Tết 2023 mà không có thông báo.
Quản lý người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại
Bộ TT&TT đang lấy ý kiến người dân về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (Nghị định 72) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Một trong những nội dung được đề xuất bổ sung vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72 là quy định về việc xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại di động tại Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của VietNamNet về nội dung này, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ TT&TT) cho biết, mạng xã hội hiện có mức độ ảnh hưởng lớn, sức lan tỏa nhanh và rộng nên với việc định danh, người dùng sẽ cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình khi cung cấp, sử dụng thông tin lên mạng. Không chỉ vậy, việc bổ sung quy định xác thực người dùng bằng số điện thoại di động còn là để phù hợp, đồng bộ với các quy định hiện hành.hiện hành.
Việc bổ sung quy định cụ thể về xác thực người dùng mạng xã hội là cần thiết bởi tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng. Việc xác thực người dùng sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm.
Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Huyền cho rằng, yêu cầu xác thực người dùng mạng xã hội qua số điện thoại có tính khả thi cao bởi nhiều nền tảng trong và ngoài nước đều đã sử dụng hình thức xác thực này.