Mặc dù được Hội đồng giáo sư liên ngành ủng hộ, song nghệ sĩ violin Bùi Công Duy không có tên trong danh sách 383 ứng viên đạt chuẩn GS, PGS năm 2022 do Hội đồng giáo sư nhà nước công bố mới đây.

Trao đổi với VietNamNet, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Chủ tịch Hội đồng giáo sư liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao cho hay, ông lấy làm tiếc, bởi NSƯT Bùi Công Duy là một tài năng âm nhạc, có nhiều thành tựu và đóng góp trong biểu diễn và đào tạo, đang trực tiếp làm công tác giảng dạy ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. 

Theo GS Tấn, ông Bùi Công Duy đã được Hội đồng liên ngành giới thiệu từ năm trước và thêm một lần nữa trong đợt xét năm nay với sự nhất trí cao.

Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy biểu diễn cùng dàn nhạc tháng 5/2022 

Vấn đề dẫn tới việc ông Duy không được đưa vào danh sách năm trước là do không có bằng tiến sĩ. Hội đồng liên ngành khi đó đã giải trình: Ông Duy có bằng tốt nghiệp nghiên cứu sinh ngành biểu diễn violin - chứng chỉ cao nhất về đào tạo nghệ sỹ biểu diễn của nhạc viện Tchaikovsky, Nga. Các trường âm nhạc của Nga và Mỹ đều công nhận bằng cấp ấy tương đương tiến sĩ và nhiều người có bằng đó đã được phong PGS, GS, hiện đang làm việc.

“Có một thực tế là ở Nga hay ở nước ta, không có trường hợp nào nghệ sỹ biểu diễn, người dạy biểu diễn nhạc cụ có bằng tiến sĩ bằng hoạt động biểu diễn”, GS Tấn nói.

Sai lầm khi coi “bài báo quốc tế uy tín” là tiêu chuẩn cứng

Do vướng mắc ở “bằng tiến sĩ”, năm nay, Hội đồng giáo sư liên ngành đã đề nghị đưa ông Duy vào diện xét đặc cách theo điều 21 trong Quyết định 37 của Thủ tướng về tiêu chuẩn, thủ tục xét điều kiện phong học hàm GS, PGS... Theo đó, những người có “những đóng góp nổi trội” thì có thể được Hội đồng nhà nước xét đặc cách các tiêu chuẩn. 

“Tôi đi công tác nước ngoài trong thời gian họp Hội đồng giáo sư nhà nước, nên không rõ Hội đồng kết luận trường hợp này thế nào” - GS Tạ Ngọc Tấn giải thích thêm. “Nhưng tôi nghĩ rằng việc phong học hàm cho những người như ông Bùi Công Duy là phù hợp với mục đích của việc phong học hàm và có lợi cho công tác đào tạo âm nhạc của đất nước”.

Trao đổi về việc tại sao năm nay có đến một nửa ứng viên PGS của liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao không được Hội đồng nhà nước xét duyệt, GS Tấn nói: “Tôi cũng chưa nắm được một cách cụ thể về nguyên nhân các ứng viên bị loại vì không dự họp”. 

GS Tấn cho hay, 11 GS gồm cả những người có tiếng nói rất uy tín trong liên ngành đã xem xét các trường hợp rất cẩn thận. Tuy nhiên, theo GS Tấn, vấn đề có lẽ ở các “bài báo quốc tế uy tín”. 

Ngoài những bài báo trong danh mục ISI, Scopus, được tính là “bài báo quốc tế uy tín”, còn cả những bài báo do các trường đại học top 500 thế giới, các viện nghiên hàng đầu của một số nước như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản... và chất lượng các bài báo đó do Hội đồng liên ngành quyết định... “Vấn đề của mọi vấn đề có lẽ chính là 'bài báo quốc tế uy tín'”, GS Tấn nhấn mạnh.

Theo ông, công bố quốc tế là cần thiết và cần được khuyến khích. Nhưng việc coi “bài báo quốc tế uy tín” là tiêu chuẩn cứng, bắt buộc, thậm chí phủ định cả những tiêu chuẩn khác là việc rất không nên, thậm chí là sai lầm. 

GS Tấn cho rằng, nếu đứng ở góc độ vì lợi ích quốc gia, dân tộc, GS hay PGS không chỉ là thành tích để tôn vinh, mà quan trọng nhất nhằm phục vụ việc đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài cho đất nước. 

“Công bố quốc tế các bài báo là một chỉ dấu về phát triển khoa học - công nghệ, về sự hội nhập quốc tế của đất nước. Đó là cần thiết. Nhưng hội nhập không có nghĩa là chạy theo mọi tiêu chuẩn, tiêu chí của nước ngoài. Quan trọng là hội nhập vì lợi ích tối cao của dân tộc, của đất nước”. 

Từ đó, theo ông, việc công bố các bài báo trước hết phải vì sự phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục, đào tạo, vì công chúng của đất nước mình. 

“Việc quy định cứng về bài báo quốc tế uy tín trong tiêu chuẩn phong GS, PGS là không hợp lý về mọi phương diện, thậm chí cản trở, bất lợi cho sự phát triển của khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo” - GS Tạ Ngọc Tấn nói.