Trong chương trình giới thiệu về dự án học Toán trực tuyến của Trường Toán Minh Việt ngày 5/11, nói về việc dạy Toán ở bậc phổ thông tại Việt Nam hiện tại, GS Ngô Bảo Châu bày tỏ sự tiếc nuối khi theo ông, rất nhiều học sinh thông minh, giỏi giang, biết rất nhiều thứ nhưng lại rất sợ Toán.
“Cứ có gì dính đến Toán, có công thức là các em đã vã mồ hôi rồi. Điều này khiến rất nhiều cơ hội đóng lại với các em.
Trong khi thực ra không nhất thiết phải sợ như thế. Các em có thể không cần giỏi hay xuất sắc lắm mà chỉ cần đủ hiểu biết để không sợ Toán, đó đã là một hành trang rất quý trong cuộc sống sau này", GS Châu nói.
Ông cũng chia sẻ, trong thời đại kỷ nguyên số, sợ Toán là một thiệt thòi lớn trong cuộc đời. Việc phổ cập Toán đúng cách sẽ không để mọi người mất đi cơ hội của mình.
'Tôi không nhớ 7 hằng đẳng thức đáng nhớ'
Theo GS Châu, để mọi người không sợ Toán, quan trọng nhất vẫn phải xác định những kiến thức gì cần dạy hay cần bỏ qua.
“Việc chọn kiến thức gì để đưa vào dạy là rất quan trọng. Tôi nghĩ trong bậc phổ thông, chỉ có một vài điểm rất quan trọng cần dạy. Ví dụ, ở cấp tiểu học, tôi nghĩ quan trọng nhất cần hiểu như thế nào là phân số; ở cấp THCS, khó nhất là hiểu thế nào là giải phương trình bậc hai...
Ngược lại, có những cái mà tôi nghĩ hoàn toàn thừa mà chẳng hiểu sao lại dạy. Như thời tôi còn đi học thì phải học 7 hằng đẳng thức đáng nhớ, quả thực tôi không nhớ 7 hằng đẳng thức đó là gì và không hiểu tại sao phải đáng nhớ như thế. Đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa thể giải thích được rất nhiều thứ lẩm cẩm như thế...”.
GS Châu cũng cho hay cách dạy Toán ở Việt Nam “có gì đó sai sai” khi yêu cầu học sinh làm các bài toán mà việc tính toán rất “cơ bắp”.
“Tôi không biết để đi đến đâu nhưng các bài toán rất nhiều chữ số, biểu thức. Rõ ràng chẳng để làm gì cả. Có những thầy cô thì đưa ra những bài rất mẹo và thậm chí học sinh không ai hiểu tại sao lại nghĩ được mẹo như thế”. Theo GS Châu, việc này thực chất phản tư duy khoa học.
“Việc dạy học Toán là phải làm sao cho những điều trông có vẻ rối rắm, phức tạp trở thành đơn giản, đó mới là cái đẹp của Toán học. Tôi nghĩ điều đó tốt hơn là những cuộc thi đua”.
GS Châu cho rằng, ý thức việc học Toán được đa số phụ huynh ở Việt Nam coi trọng và điều này cần được trân trọng. Tuy nhiên, tâm lý, quan niệm chung của nhiều phụ huynh vẫn là “học để đi thi”. Việc này sẽ trở nên tiêu cực khi có một sự thay đổi quá đột ngột về phương pháp thi cử, bởi sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc học.
“Như chuyện cách đây khoảng chục năm, khi chuyển từ hình thức thi tự luận sang trắc nghiệm đã kéo theo việc đột nhiên chuyển sang dạy học Toán để thi trắc nghiệm.
Bản thân việc thi trắc nghiệm là không xấu, thậm chí việc thi cử trở nên nhẹ nhàng hơn, chấm thi cũng đỡ mệt hơn, nhưng ảnh hưởng tiêu cực không đến từ cuộc thi mà đến từ cách các phụ huynh, nhà trường đối phó với cuộc thi đó. Bởi học sinh bây giờ ngay từ những năm THCS đã chỉ lo cách học để đối phó thi trắc nghiệm. Việc này làm hỏng nhiều tư duy Toán học của các em”.
Và theo GS Ngô Bảo Châu, "với trẻ con, đừng bắt các em nhận thức quá nhiều hay suy nghĩ mưu sinh cuộc sống, mà làm sao khi học cảm thấy vui đã là thành công. Đừng vội bắt các em nhận thức học Toán để làm gì”.