Một tuần thận trọng
Sau khoảng thời gian hồi phục mạnh từ đáy với sự đóng góp rất lớn của dòng tiền bắt đáy khi chỉ số VN-Index xuống vùng 870-900 điểm hồi giữa tháng 11 và đợt mua ròng kỷ lục của khối ngoại, thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần 5-9/12 đã có sự điều chỉnh trong bối cảnh giới đầu tư thận trọng chờ đợi những thông tin vĩ mô đến từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Cụ thể, sau một tuần giao dịch bùng nổ cả về điểm số lẫn thanh khoản, phiên thứ 3 (6/12) đã chứng kiến áp lực bán mạnh, đẩy chỉ số VN-Index giảm 2,9% về mức 1.048,7 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán đã được cân bằng khi VN-Index có mức đóng cửa dao động trong biên độ hẹp tại vùng 1.040-1.050 điểm ở những phiên tiếp theo.
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường VnDirect cho biết, thị trường chứng khoán trong tuần đón nhận nhiều thông tin nổi bật. Những thông tin vĩ mô tích cực tuần qua đã công bố như: Trung Quốc chính thức cho người dân với triệu chứng nhẹ được cách ly và điều trị tại nhà; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại và cũng đồng thời bơm tiền qua kênh thị trường mở nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Mặc dù vậy, theo ông Hinh, tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng chờ đợi những thông tin vĩ mô trong tuần mới liên quan đến lạm phát của Mỹ cũng như hành động tiếp theo của Fed về chính sách tiền tệ.
Chốt tuần 5-9/12, VN-Index có sự cải thiện hơn so với đầu tuần lên mức 1.051,8 điểm (-2,6% so với cuối tuần tuần trước đó). Trong khi đó, chỉ số HNX-Index tăng nhẹ 0,5% lên 217 điểm và Upcom-Index giảm 0,8% về 71,6 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ với giá trị giao dịch bình quân trên cả 3 sàn giảm 2,8% so với tuần liền trước về 19.856 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên sàn HOSE với giá trị đạt 4.192 tỷ đồng (giảm 54,3% so với tuần trước).
Tuần qua, dòng tiền đã phân hóa ở 2 nhóm ngành trụ của thị trường là ngân hàng và bất động sản. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện những ngành tỏa sáng là chứng khoán và hàng không như: Chứng khoán SSI, VNDirect, VCI, VJC, HVN…
Xem xét triển vọng năm 2023
Theo ông Đinh Quang Hinh, tuần giao dịch mới có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra như công bố số liệu lạm phát tháng 11 của Mỹ vào thứ ba (13/12), phiên họp quyết định chính sách tiền tệ của Fed vào thứ 4-thứ 5 (14-15/12) và phiên đáo hạn phái sinh vào thứ 5 (15/12).
Fed nhiều khả năng sẽ hành động như kỳ vọng của thị trường với mức tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là những bình luận trong cuộc họp báo sau đó của chủ tịch Fed về triển vọng lạm phát, thị trường lao động.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích của VNDirect cho rằng, nửa đầu 2023 TTCK có thể còn nhiều thăng trầm nhưng cuối năm sẽ tích cực. Theo đó, đầu năm, lạm phát có thể lên do áp lực từ giá điện, vận tải, học phí… Dù vậy, đây đều là các yếu tố có thể kiểm soát được.
Bà Khánh Hiền dự báo báo đỉnh lãi suất của Fed sẽ vào giữa 2023, sau đó giảm.
Trên thế giới, theo khảo sát của Bloomberg, TTCK có thể bị tác động tiêu cực bởi rủi ro lạm phát duy trì ở mức cao và rủi ro suy thoái sâu, sau khi trải qua một năm 2022 với lạm phát kỷ lục, xung đột ở Ukraine và làn sóng thắt chặt tiền tệ. Đa số các tổ chức dự báo, chứng khoán thế giới có thể chạm đáy mới vào đầu năm 2023 và đà tăng sẽ diễn ra vào nửa cuối năm.
Trong năm 2023, nhiều nước có thể sẽ chứng kiến sự bất đồng gia tăng giữa chính sách tiền tệ và tài khóa. Trong khi các ngân hàng trung ương phải kiểm soát để chống lạm phát thì các chính phủ phải tăng vay nợ, tăng chi tiêu để nền tránh kịch bản nền kinh tế suy giảm. Việt Nam cũng có thể ở tình trạng tương tự, vừa phải thận trọng trong chính sách tiền tệ, vừa phải thúc đẩy tăng giải ngân đầu tư công.