Ngày 26/9, tại thành phố Huế, Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2022-2027) đã được tổ chức nhằm đánh giá chặng đường 5 năm đã qua của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như định hướng những bước tiếp theo trên con đường phụng hành Phật sự, hoằng pháp lợi sanh, phục vụ dân tộc thời gian tới.

Nhiệm kỳ qua, Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng với phật tử đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đường hướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra và đạt được những kết quả Phật sự quan trọng trên nhiều mặt hoạt động như tăng sự, hướng dẫn phật tử, Phật giáo quốc tế...

Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027

Trong đó, từ thiện xã hội là một trong những công tác trọng yếu của Giáo hội, thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật và đạo lý tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam. Năm năm qua, Ban Từ thiện xã hội của Giáo hội đã nỗ lực hoàn thành các hoạt động Phật sự thường niên cũng như những công tác cứu tế, an sinh khẩn cấp, đặc biệt là trong giai đoạn bão lụt năm 2020 và dịch COVID-19.

Các tăng ni, phật tử, thành viên Ban Từ thiện xã hội Phật giáo xứ Huế đã cùng nhau đóng góp, vận động tịnh tài, tịnh vật, không ngại nguy hiểm dấn thân vào tâm bão, vùng dịch bệnh để kịp thời hỗ trợ vật chất đến tinh thần, giúp đồng bào miền Trung vượt khó, khắc phục hậu quả thiên tai và đẩy lùi dịch bệnh. Đã có 40.500 suất quà trị giá hơn 20 tỷ đồng được Ban kêu gọi, hỗ trợ thông qua các hoạt động từ thiện, cứu tế an sinh cùng 5,85 tỷ đồng phục vụ công tác xây dựng, sửa chữa và tái thiết cuộc sống người dân sau bão, lũ.

Nhằm tiếp nối và hoàn thành sứ mạng được giao phó, Đại hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên – Huế lần thứ VIII đề ra chương trình hoạt động trong thời gian tới. Theo đó, Giáo hội tích cực phát huy truyền thống đoàn kết, hòa hợp trong Phật giáo, hành động theo phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp giữa Ban Trị sự và các ban, ngành, tự viện… tạo nền tảng phát triển hoạt động Phật sự, đồng thời đẩy mạnh quan hệ các cấp ủy Đảng, chính quyền… nhằm tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết.

Nhiệm kỳ mới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu thành lập Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Huế; quan tâm, giải quyết các Phật sự tồn đọng, vướng mắc, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng chính đáng của tăng ni, phật tử và hoàn tất các công trình khôi phục một số chùa trên địa bàn; lập kế hoạch xây dựng Trung tâm Hành chính Phật giáo tỉnh; Viện Nghiên cứu Phật học; Bảo tàng Phật giáo Huế cũng như xây dựng một số tự viện tại vùng sâu, vùng xa…

Đặc biệt, phát huy công tác từ thiện xã hội, Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên – Huế có kế hoạch phát triển hệ thống Tuệ Tĩnh đường để tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí đến các địa bàn, vùng sâu, vùng xa, dân tộc ít người; tổ chức cứu trợ nhân đạo, thiên tai bão lụt, cứu tế an sinh, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, gia đình người có công… Giáo hội cũng phát triển các lớp học tình thương, nhà dưỡng lão và tiếp tục các mô hình sáng kiến lãnh đạo Phật giáo trong phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình.

Vĩnh Sang, Vân Anh, Quốc Huy