Trao đổi với PV VietNamNet, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, số người rút BHXH một lần có xu hướng tăng lên là điều đáng báo động cho cơ quan quản lý nhà nước.

Ông đánh giá như thế nào về việc trung bình mỗi năm hiện nay có khoảng 800.000 người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần?

Từ khi Quốc hội có Nghị quyết 93 (năm 2015) về thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động thì trung bình mỗi năm có từ 700.000 đến 800.000 người rút BHXH một lần. Số người rút BHXH một lần hiện nay gần bằng số người mới tham gia vào hệ thống BHXH.

Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, số người rút BHXH một lần có xu hướng tăng lên. Cụ thể, trong năm 2022, dự kiến số người rút BHXH một lần khoảng 895.000 người. Số người rút BHXH một lần có xu hướng tăng lên như vậy là điều đáng báo động cho cơ quan quản lý nhà nước.

Nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên là do những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh trong và sau đại dịch Covid-19 đã tác động đến thu nhập của người lao động. Cực chẳng đã nên người lao động mới rút BHXH một lần mà không tính đến thiệt thòi trước mắt cũng như lâu dài.

Ngoài ra, việc người lao động rút BHXH một lần cũng một phần là do họ lo quỹ này không cân đối được, không bảo toàn được nên sợ bị mất. Như vậy, có thể thấy rằng người dân chưa hiểu hết quỹ BHXH rất an toàn, được nhà nước bảo trợ, hỗ trợ để đảm bảo đời sống cho người về hưu. Nhờ đó mà những người về hưu vẫn được điều chỉnh lương hưu và dự kiến đến 1/7/2023 sẽ tăng 12,5%.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: Phạm Hải.

Theo ông, việc rút BHXH một lần gây thiệt thòi như thế nào cho người lao động?

Khi không tham gia BHXH, trong ngắn hạn, người lao động sẽ không được thanh toán các quỹ giảm thiểu rủi ro như ốm đau, thai sản và bệnh nghề nghiệp.

Về lâu dài, khi hết tuổi lao động, người đã rút BHXH một lần sẽ không có lương hưu. Những trường hợp này phải chờ đến 80 tuổi mới được trợ cấp hưu trí xã hội với mức 360.000 đồng/tháng như hiện nay.

Vậy làm cách nào để người dân không rút BHXH một lần?

Việc rút BHXH một lần là quyền của người lao động được pháp luật quy định, nhưng chúng ta phải tuyên truyền cho họ thấy những thiệt thòi trước mắt cũng như lâu dài.

Thực tế, việc người lao động rút BHXH một lần là do họ chưa yên tâm vào quỹ BHXH. Do vậy, trách nhiệm của chúng ta là phải giải thích cho người lao động thấy rằng đây là của để dành và được nhà nước bảo hộ, giúp người lao động ổn định cuộc sống khi về già.

Việc giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu khi sửa Luật BHXH liệu có giảm được tình trạng người dân rút BHXH một lần hay không, thưa ông?

Giảm số năm đóng BHXH từ 20 năm xuống tối thiểu 15 năm là thực hiện theo quy định trong Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH. Chính sách linh hoạt như vậy với mục tiêu BHXH bao phủ toàn diện lực lượng lao động. Qua đó, những người gần 50 tuổi cũng có thể đóng BHXH và được hưởng lương hưu khi về già.

Với chính sách linh hoạt như vậy, chắc chắn số người rút BHXH một lần cũng sẽ giảm dần. Bởi số năm đóng BHXH ngắn thì nhiều người có thể cố gắng đóng cho đủ thời gian theo quy định. Sau khi đóng đủ 15 năm, nhiều người gặp khó khăn có thể chốt sổ BHXH đợi đến tuổi được nhận lương hưu.