Ghi nhận của phóng viên, sau phiên điều chỉnh giá xăng đầu tháng 3, thì giá gas trên thị trường đã vượt mức 500.000 đồng/bình 12kg và bình gas công nghiệp có trọng lượng 48kg đã chạm ngưỡng 1.995.500 đồng/bình.
Giá xăng dầu, gas đã tăng và dự báo sẽ tiếp tục "nhỉnh" lên trong thời gian tới. Điều này đã khiến nhiều chủ nhà hàng, quán ăn lo lắng bởi những khó khăn đang hiệu hữu.
Anh Dương Văn Tiếp – quản lý hệ thống nhà hàng Jino BBQ (ở phố Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội) là điển hình.
Anh Tiếp cho biết, chỉ tính riêng cơ sở tại phố Huỳnh Thúc Kháng, mỗi tháng, cửa hàng do anh Tiếp quản lý, vận hàng sử dụng từ 10 – 15 bình gas loại 12kg, tùy lượng khách.
Mặc dù anh Tiếp đã sẵn kế hoạch chi thêm cho nhiên liệu đốt khoảng 10 triệu đồng nhưng trong bối cảnh,giá nhiều mặt hàng tăng lên từng ngày do ảnh hưởng của giá xăng, anh Tiếp dường như rơi vào thế loay hoay trong câu chuyện giữ chân thực khách.
Anh Tiếp cho biết: "Vừa muốn tăng giá sản phẩm lên từng suất ăn, lại vừa muốn giảm giá để thu hút thực khách nhưng chúng tôi không biết nên bắt đầu từ đâu. Bởi hơn 2 năm qua, chúng tôi làm các chương trình khuyến mại để hút khách nhưng không đạt hiệu quả. Thêm nữa là vì thực hiện các quy định về phòng chống dịch mà cách quãng, cửa hàng phải đóng cửa".
"Bây giờ, dù đã vào giai đoạn "bình thường mới", chúng tôi cũng thực hiện giảm giá các combo đồ ăn, giảm giá với các nhóm khách... nhưng giá xăng, gas tăng đến "chóng mặt", khiến chúng tôi rơi vào thế loay hoay không biết nên chủ động tăng giá hàng hóa để bù chi phí ban đầu, hay giữ nguyên và chấp nhận hao hụt lợi nhuận(?)", anh Tiếp cho hay.
Theo anh Tiếp, dù đã bước vào giai đoạn "bình thường mới" nhưng khoảng 2 tháng nay, số ca mắc COVID-19 tăng nhanh đã khiến doanh thu cửa hàng giảm sút rõ rệt, từ 40 – 45%.
Bà Nguyễn Thị Hiền (45 tuổi) – chủ một cửa hàng phở tại phố Nguyễn Ngọc Vũ (Trung Hòa, Cầu Giấy) cũng tương tự.
Dù mọi chi phí nhập nguyên liệu bắt đầu "nhỉnh" lên do ảnh hưởng của giá xăng nhưng bà Hiền vẫn chưa dám tăng giá phở vì lo sợ mất khách.
Chị Hiền cho biết: "Trước Tết, giá rau ở mức bình thường nhưng dạo gần đây, khi giá xăng liên tục tăng thì ở chợ đầu mối, rau thì là không còn có giá 2.000 đồng/bó nhỏ nữa, mà tăng lên ít nhất là 4.000 đồng/bó. Các loại rau thơm khác cần dùng cho việc làm phở cũng tăng một gấp đôi. Kể cả giá gà cũng tăng đến 15%".
"Tâm lý khách hàng là khi càng khó khăn, càng "thắt lưng buộc bụng" trong chi tiêu, nên nếu tăng từ 40.000 đồng lên 45.000 hoặc 50.000 đồng/bát phở thì rất dễ khiến khách hàng sẽ cân đếm lại bữa sáng. Nhất là với những khách hàng có gia đình mà có mức thu nhập trung bình", bà Hiền lắc đầu.
Mặc dù giá xăng, gas đều tăng lên nhưng bà Hiền vẫn quyết định xem xét thêm lượng khách trong một khoảng thời gian để cân nhắc lên tăng giá mỗi bát phở. Bởi theo bà Hiền, khi các nhà hàng cùng tăng giá sản phẩm cũng là "thời điểm vàng" về cạnh tranh lượng khách.
Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, giá gas trong nước đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng theo đà tăng giá nhiên liệu của thế giới và chịu tác động bởi nguồn cung khí hóa lỏng trên toàn cầu. Đặc biệt là bối cảnh đang diễn ra cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina. Dự báo giá nhiên liệu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Việc giá xăng, dầu, gas đều tăng không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, vận tải, dịch vụ, thương mại... mà hàng hóa đến tay người tiêu dùng sẽ tăng lên.
(Theo Gia Đình và Xã Hội)
Grab, Be cùng tăng giá, xe ôm, taxi đồng loạt lên cước
Sau khi giá xăng tăng mạnh, các hãng xe công nghệ đồng loạt điều chỉnh tăng giá cước vận chuyển. Các hãng xe taxi cũng rục rịch tăng giá theo.