Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 3/7 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm.

Theo đó, giá xăng RON 95 xuống mức 21.420 đồng/lít. Giá xăng E5 RON 92 về mức 20.470 đồng/lít. Giá dầu diesel là 18.160 đồng/lít. Giá dầu hỏa ở mức 17.920 đồng/lít.

Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:

Mặt hàng Giá từ 3/7 (đơn vị: đồng/lít) So với kỳ trước
Xăng RON 95-III 21.420 -590
Xăng E5 RON 92-II 20.470 -400
Dầu diesel 18.160 -10
Dầu hỏa 17.920 -30

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (7/7) tiếp đà tăng từ đầu tuần.

Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 11h08' ngày 7/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 76,79 USD/thùng, tăng 0,27 USD, tương đương 0,35% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 72,06 USD/thùng, tăng 0,26 USD, tương đương 0,36% so với phiên liền trước.

Hôm 6/7, giá xăng dầu tăng mạnh vào buổi sáng nhưng đến tối lại đảo chiều đi xuống.

Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h50' ngày 6/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 76,74 USD/thùng, tăng 0,09 USD, tương đương 0,12% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 71,98 USD/thùng, tăng 0,19 USD, tương đương 0,26% so với phiên liền trước.

Đến 21h14' ngày 6/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent xuống mức 75,24 USD/thùng, giảm 1,41 USD, tương đương 1,84% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 70,42 USD/thùng, giảm 1,37 USD, tương đương 1,91% so với phiên liền trước.

Giá xăng dầu suy yếu (Ảnh: Getty)

Giới phân tích cho rằng, giá dầu quay đầu giảm khi nhà đầu tư vẫn e ngại về đà phục hồi nhu cầu chậm chạp của Trung Quốc sau đại dịch Covid-19 làm dấy lên những lo ngại về nhu cầu dầu giảm.

Kết quả khảo sát được công bố vào ngày 5/7 cho thấy, hoạt động dịch vụ của Trung Quốc trong tháng 6 đã ghi nhận mức tăng chậm nhất trong 5 tháng qua. Điều này phản ánh nhu cầu suy yếu đã kìm hãm đà phục hồi sau đại dịch.

Lo ngại về nhu cầu dầu suy yếu đã lấn át triển vọng nguồn cung thắt chặt. Thực tế, bất chấp những kêu gọi cắt giảm nguồn cung trong nhiều tháng qua, giá dầu chỉ biến động trong biên độ hẹp khi tâm lý thận trọng về triển vọng nhu cầu đã hạn chế đà tăng của giá dầu.

Bên cạnh đó, những yếu tố bất lợi về kinh tế vĩ mô trên toàn cầu và xu hướng nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng khiến giá dầu đi xuống.

Các cuộc khảo sát kinh doanh gần đây cho thấy hoạt động của nhiều nhà máy trên thế giới trong tháng 6 sụt giảm. Điều này phản ánh nhu cầu chậm ở Trung Quốc và châu Âu.

Cùng với đó, lo ngại về việc Mỹ và Liên minh châu Âu có thể rơi vào suy thoái cũng gây áp lực lên thị trường dầu mỏ.

Thị trường đang tập trung vào vấn đề lãi suất. Nhiều ngân hàng trung ương lớn có thể tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, thông báo cắt giảm sản lượng tự nguyện của Saudi Arabia, Nga và Algeria mới đây cùng những dự đoán về khả năng nguồn cung dầu giảm cộng với lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm nhiều hơn dự đoán đã hỗ trợ phần nào cho giá dầu.