Giá xăng dầu trong nước hôm nay 29/12/2023
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 29/12 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 28/12 của liên bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng dầu được liên bộ Công Thương - Tài chính điều hành theo hướng giữ nguyên giá xăng RON 95, giảm nhẹ giá xăng E5, còn giá dầu tăng.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm 10 đồng/lít, giá bán xuống mức 21.180 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giữ nguyên 22.140 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel tăng 260 đồng/lít, lên 19.780 đồng/lít. Còn giá dầu hỏa giảm 40 đồng/lít, về 20.450 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 28/12 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 22.140 | 0 |
Xăng E5 RON 92-II | 21.180 | - 10 |
Dầu diesel | 19.780 | + 260 |
Dầu hỏa | 20.450 | - 40 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 29/12/2023
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 29/12 nối dài đà giảm từ 2 phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h04' ngày 29/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 78,39 USD/thùng, giảm 1,26 USD, tương đương 1,58% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 71,91 USD/thùng, tăng 0,18 USD, tương đương 0,25% so với phiên liền trước.
Giá dầu phiên 28/12 tiếp tục đi xuống sau khi giảm gần 2% vào phiên trước đó.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20h49' ngày 28/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 78,7 USD/thùng, giảm 0,95 USD, tương đương 1,19% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 73,17 USD/thùng, giảm 0,94 USD, tương đương 1,27% so với phiên liền trước.
Giới phân tích cho rằng giá dầu lao dốc trước tình trạng dư cung và nhu cầu yếu.
Theo dự báo từ một số công ty tư vấn lớn trên thế giới, nguồn cung dầu diesel ở châu Á dự kiến tăng vọt vào năm 2024, nhờ các nhà máy lọc dầu mới ở Trung Đông tăng sản lượng và Trung Quốc tăng cường xuất khẩu.
Nguồn cung dầu diesel từ Trung Đông sẽ tăng khi các nhà máy lọc dầu mới của Kuwait và Oman tăng sản lượng và xuất khẩu.
Cùng với đó, xuất khẩu nhiên liệu của Trung Quốc có thể tăng lên trong nửa đầu năm 2024, nhờ kỳ vọng Bắc Kinh sẽ ban hành thêm hạn ngạch cho phép các nhà máy lọc dầu xuất khẩu nguồn cung dư thừa và tận dụng mức giá cao hơn ở nước ngoài.
Thêm nữa, nhiều thông tin cho biết sản lượng dầu ở Nga, nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Saudi Arabia, dự kiến sẽ ổn định, thậm chí tăng trong năm tới do Moscow đã vượt qua phần lớn các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Bên cạnh đó, nhu cầu yếu cũng khiến giá dầu đi xuống.
Viện Dầu khí Mỹ (API) ngày 27/12 công bố báo cáo cho thấy, tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 22/12 tăng gần 1,84 triệu thùng. Con số tồn kho này trái ngược với dự kiến giảm 2,6 triệu thùng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò ý kiến của Reuters trước đó.
Tồn kho dầu tăng phản ánh nhu cầu yếu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, giá dầu giảm còn do tâm lý lo ngại căng thẳng leo thang tại khu vực này đã giảm bớt.
Một số hãng vận tải biển lớn bắt đầu nối lại hoạt động qua Biển Đỏ sau khi Mỹ triển khai hoạt động quân sự nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng Houthi và đảm bảo an toàn thương mại cho tàu chở hàng trong khu vực.