Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 21/4 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Theo đó, giá xăng RON 95 là 23.630 đồng/lít. Giá xăng E5 xuống mức 22.680 đồng/lít. Giá dầu diesel không cao hơn 19.390 đồng/lít. Giá dầu hỏa xuống 19.480 đồng/lít.

Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:

Mặt hàng Giá từ 21/4 (đơn vị: đồng/lít) So với kỳ trước
Xăng RON 95-III 23.630 - 610
Xăng E5 RON 92-II 22.680 - 490
Dầu diesel 19.390 - 750
Dầu hỏa 19.480 - 250

Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay tiếp đà giảm từ 3 phiên trước.

Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 10h09' ngày 27/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 77,94 USD/thùng. Còn giá dầu WTI được giao dịch ở mức 74,42 USD/thùng.

Hôm qua (26/4), giá dầu thế giới vẫn trong xu hướng giảm từ 2 phiên trước đó.

Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 10h20' ngày 26/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đạt 81,05 USD/thùng. Còn giá dầu WTI được giao dịch ở mức 77,49 USD/thùng.

Đến 19h48' ngày 26/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 79,97 USD/thùng, giảm 0,8 USD, tương đương 0,99% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI được giao dịch ở mức 76,55 USD/thùng, giảm 0,52 USD, tương đương 0,67% so với phiên liền trước.

Như vậy, giá dầu Brent đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 31/3, trước khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng gây sốc thị trường. Tương tự, giá dầu WTI cũng giảm xuống mức thấp nhất trong tháng này.

Giá xăng dầu giảm mạnh. (Ảnh: Foxbusiness)

Giới phân tích cho rằng, giá dầu lao dốc là bởi lo ngại sâu sắc về suy thoái kinh tế đã lấn át hi vọng về nhu cầu tăng cao hơn của Trung Quốc.

Các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng về việc các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát.

Dự kiến, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ tăng lãi suất tại các cuộc họp sắp tới. Việc này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế, từ đó làm giảm nhu cầu năng lượng ở Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu.

Cuối tuần này, Fed sẽ công bố báo cáo quan trọng về việc làm, lạm phát và chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ trước cuộc họp chính sách tháng 5.

Reuters cho hay, trong tháng 4, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng. Điều đó làm tăng thêm nguy cơ nền kinh tế Mỹ có khả năng rơi vào suy thoái trong năm nay.

Song giá dầu cũng được hỗ trợ khi nhiều nhà phân tích tỏ ra lạc quan về sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới - vào nửa cuối năm nay. Nhà đầu tư kỳ vọng vào việc nhu cầu tiêu thụ dầu tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh, khi nước này bước vào tuần nghỉ lễ vào đầu tháng 5.

Các số liệu của Trung Quốc cũng chỉ ra rằng nền kinh tế thứ hai toàn cầu đang hồi phục tích cực. Khảo sát mới đây của Bloomberg cho hay, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc có thể đạt 5,6% trong năm nay, cao hơn so với mục tiêu đặt ra là 5%.

Ngoài ra, triển vọng về tiêu thụ tại khu vực châu Á cũng hỗ trợ giá dầu. Nga đang củng cố mối quan hệ chặt chẽ với các quốc gia có nhu cầu dầu mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ... nhằm đẩy mạnh việc bán dầu. Xuất khẩu dầu thô của Nga đã quay trở lại mức trên 3 triệu thùng/ngày vào tuần trước.

Thêm vào đó, giá dầu còn được nâng đỡ khi dự trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh. Theo số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API), dự trữ dầu thô của nước này đã giảm khoảng 6,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 21/4. Trong khi đó, các nhà phân tích dự đoán mức giảm chỉ vào khoảng 1,5 triệu thùng.