Giá xăng dầu trong nước hôm nay 23/12/2023
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 23/12 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 21/12 của liên bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng mạnh, trong đó xăng RON 95 tăng mạnh nhất sau 5 lần giảm liên tiếp.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng lên 21.190 đồng/lít. Giá xăng RON 95 lên mức 22.140 đồng/lít.
Còn giá dầu diesel bán lẻ không cao hơn 19.520 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng lên 20.490 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 21/12 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 22.140 | + 740 |
Xăng E5 RON 92-II | 21.190 | + 680 |
Dầu diesel | 19.520 | + 510 |
Dầu hỏa | 20.490 | + 530 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 23/12/2023
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 23/12 quay đầu giảm nhẹ sau khi tăng vào hôm trước.
Giá dầu đi xuống ngay trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh do kỳ vọng Angola có thể tăng sản lượng sau khi rời khỏi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h19' ngày 23/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 79,07 USD/thùng, giảm 0,32 USD, tương đương 0,4% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 73,56 USD/thùng, giảm 0,33 USD, tương đương 0,45% so với phiên liền trước.
Hôm 22/12, giá xăng dầu thế giới hồi phục sau cú trượt dốc nhẹ vào phiên trước đó.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 20h52' ngày 22/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 80,04 USD/thùng, tăng 0,65 USD, tương đương 0,82% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 74,62 USD/thùng, tăng 0,73 USD, tương đương 0,99% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu đi lên do căng thẳng vẫn tiếp diễn ở Trung Đông sau các cuộc tấn công của nhóm phiến quân Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu hướng tới các cảng của Israel, buộc các hãng vận tải hàng hải lớn phải tránh xa Biển Đỏ. Điều này gây ra sự gián đoạn thương mại toàn cầu.
Bên cạnh đó, sự suy yếu của đồng USD cũng đang là yếu tố góp phần hỗ trợ giá dầu.
Giá USD tiếp tục chịu sức ép sau khi Mỹ điều chỉnh giảm tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III/2023 từ 5,2% xuống 4,9%. Trong khi đó, lạm phát tại Mỹ có xu hướng hạ nhiệt, khi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi quý III/2023 tăng 2% so với quý trước.
Chỉ số US Dollar Index (DXY) - đo lường biến động của đồng đô la Mỹ so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt - đã xuống mức 101 điểm. Và đà giảm của đồng USD vẫn chưa dừng lại.
Tuy nhiên, sự bất ổn về nguồn cung có thể gây áp lực lên giá dầu.
Ngày 21/12, giá dầu đi xuống sau khi Bộ trưởng Dầu mỏ Angola tuyên bố nước này sẽ rời OPEC.
Trước đó, tại một cuộc họp vào tháng 11, Angola đã phản đối quyết định của OPEC cắt giảm hạn ngạch sản xuất vào năm 2024 để hỗ trợ giá dầu.
Angola là một trong những nhà sản xuất nhỏ nhất của nhóm OPEC. Hiện Angola sản xuất khoảng 1,1 triệu thùng/ngày, trong khi toàn OPEC sản xuất 28 triệu thùng/ngày.
Theo các chuyên gia, việc Angola tuyên bố rời OPEC+ không tác động nhiều đến nguồn cung toàn cầu nhưng điều này có thể làm gia tăng sự hoài nghi của thị trường về mức độ tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng của các thành viên khác trong nhóm.
Thực tế, các nhà sản xuất ngoài OPEC (điển hình là Mỹ) đã tăng cường lấp đầy khoảng trống nguồn cung từ các thành viên của OPEC.
Reuters trích báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 13,3 triệu thùng/ngày vào tuần trước.