Giá xăng dầu trong nước hôm nay 2/9
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 21/8 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng được điều chỉnh tăng, dầu giảm nhẹ.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng lên mức 23.330 đồng/lít. Giá xăng RON95 lên 24.600 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm xuống mức 22.350 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng lên mức 22.309 đồng/lít. Giá dầu mazut tăng lên 17.981 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 21/8 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 24.600 | + 610 |
Xăng E5 RON 92-II | 23.330 | + 510 |
Dầu diesel | 22.350 | -70 |
Dầu hỏa | 22.309 | + 420 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 2/9
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 2/9 vẫn tiếp tục đi lên.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h13' ngày 2/9 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch tăng lên mức 88,55 USD/thùng, tăng 1,72 USD, tương đương 1,98% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 85,55 USD/thùng, tăng 1,92 USD, tương đương 2,3% so với phiên liền trước.
Hôm 1/9, giá xăng dầu thế giới tiếp đà tăng từ 5 phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 10h17' ngày 1/9 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 86,86 USD/thùng, tăng 1 USD, tương đương 1,16% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 83,73 USD/thùng, tăng 0,1 USD, tương đương 0,12% so với phiên liền trước.
Đến 20h ngày 1/9 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 87,78 USD/thùng, tăng 0,95 USD, tương đương 1,09% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 84,64 USD/thùng, tăng 1,01 USD, tương đương 1,21% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu tiếp tục leo dốc do lo ngại nguồn cung trở nên eo hẹp và nhu cầu tăng lên.
Giá dầu tăng vọt do đồn đoán Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, sẽ duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm 2023.
Một số thông tin cho biết Nga đang có ý định gia hạn cắt giảm sản lượng dầu xuất khẩu sang tháng 10. Cùng với đó, các nhà phân tích dự đoán Saudi Arabia sẽ gia hạn cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày vào tháng 10. Điều này làm gia tăng các mối lo của thị trường về nguồn cung thu hẹp.
Thêm vào đó, tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm 10,6 triệu thùng trong tuần trước, do xuất khẩu và nhu cầu lọc dầu tăng mạnh. Mức giảm này cao gấp 3 lần so với mức giảm dự kiến 3,3 triệu thùng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters. Số liệu này cho thấy nhu cầu dầu mỏ của Mỹ tăng mạnh, hỗ trợ cho giá dầu.
Tuy nhiên, lực cản với đà tăng của giá dầu là lo ngại về tình hình kinh tế ở Trung Quốc. Một cuộc khảo sát chính thức tại các nhà máy ở Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất của nước này sụt giảm trong tháng 8, làm dấy lên lo ngại về sự suy yếu trầm trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, cả hai mặt hàng dầu chuẩn ghi nhận mức tăng tháng thứ ba liên tiếp do những dấu hiệu cho thấy nguồn cung thắt chặt. Giá dầu Brent đã “chốt” lại tháng 8 với mức tăng 1,5% còn giá dầu WTI tăng 2,2%.