Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 10h28' ngày 17/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 75,57 USD/thùng, tăng 0,87 USD, tương đương 1,16% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 được giao dịch ở mức 69,17 USD/thùng, tăng 0,82 USD, tương đương 1,2% so với phiên liền trước.

Giá dầu đi lên sau khi có báo cáo cho biết Ả Rập Xê-út và Nga đã gặp nhau để thảo luận về cách tăng cường sự ổn định của thị trường. Cả hai quốc gia đã cam kết theo quyết định của OPEC+ vào tháng 10/2022 về việc cắt giảm mục tiêu sản xuất 2 triệu thùng dầu/ngày cho đến cuối năm 2023.

Giá dầu cũng được hỗ trợ do tâm lý nhà đầu tư được cải thiện sau khi Ngân hàng Credit Suisse được các cơ quan quản lý Thụy Sĩ cứu trợ tài chính để tăng tính thanh khoản.

Hôm qua (16/3), thị trường tiếp tục chứng kiến sự mất giá của hai loại dầu phổ biến nhất thế giới.

Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 10h01' hôm qua (ngày 16/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 73,88 USD/thùng. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 được giao dịch ở mức 67,72 USD/thùng.

Đến tối qua, giá dầu tiếp tục giảm thêm. Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20h19' ngày 16/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 73,43 USD/thùng, giảm 0,26 USD, tương đương 0,35% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 được giao dịch ở mức 67,28 USD/thùng, giảm 0,33 USD, tương đương 0,49% so với phiên liền trước. Như vậy, giá dầu thô Brent đã chạm mức thấp nhất trong vòng 3 tháng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/3, giá dầu thế giới tăng 1%, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm giá liên tiếp.

Giá xăng dầu nối dài đà giảm (Ảnh: Reuters)

Theo giới phân tích, những lo ngại về lạm phát trong bối cảnh rủi ro tài chính kinh tế gia tăng đã khiến giá dầu lao dốc.

Hôm qua, tin tức về cổ phiếu của Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ 2 Thuỵ Sĩ - bị bán tháo nhanh chóng khiến dòng tiền rời khỏi các thị trường đầu tư rủi ro, trong đó có thị trường dầu. Trước đó, những lo ngại xung quanh vụ phá sản của ngân hàng Silicon Valley (Mỹ) khiến giá dầu giảm mạnh.

Các nhà đầu tư chuyển hướng sang nắm giữ các loại tài sản mang tính an toàn và thanh khoản cao như đồng bạc xanh.

Bên cạnh đó, giá dầu cũng chịu sức ép do những dấu hiệu từ kinh tế Trung Quốc phục hồi yếu hơn dự kiến, bất chấp việc nước này đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế dịch Covid-19.

Ngoài ra, giá dầu giảm trước dữ liệu cho thấy các công ty năng lượng đã bổ sung khoảng 1,2 triệu thùng dầu vào kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 10/3.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay nhu cầu dầu toàn cầu đang tăng chậm nhưng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ bởi việc mở cửa trở lại nền kinh tế của Trung Quốc. IEA giữ nguyên dự báo về nhu cầu của Trung Quốc ở mức 16 triệu thùng/ngày.

Hiện nguồn cung dầu thô không còn phải đối mặt với tình trạng bị thắt chặt trong ngắn hạn, trong khi triển vọng tiêu thụ ngày càng kém khả quan do những rủi ro suy thoái kinh tế.

Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay (17/3) được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 13/3 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.

Cụ thể, liên Bộ quyết định tăng 380 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, xăng RON 95 tăng 490 đồng/lít. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.800 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.810 đồng/lít.

Tương tự, các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng. Theo đó, dầu diesel tăng 250 đồng/lít, giá bán không cao hơn 20.500 đồng/lít; dầu hỏa tăng 240 đồng/lít, giá bán lên 20.710 đồng/lít.

Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:

Mặt hàng Giá từ 13/3 (đơn vị: đồng/lít) So với kỳ trước
Xăng RON 95-III 22.800  +380
Xăng E5 RON 92-II 23.810 +490
Dầu diesel 20.500 +250
Dầu hỏa 20.710 +240