Thị trường kim loại châu Á sáng 12/4 sôi sục với giá vàng tăng dữ dội, từ mức 2.350 USD/ounce lên trên ngưỡng 2.390 USD/ounce. Sức mua áp đảo, đẩy giá lên không ngừng nghỉ, liên tục lập kỷ lục cao mọi thời đại mới.
Diễn biến này khá bất ngờ. Trước đây, thị trường châu Á thường không ghi nhận những mức biến động dữ dội của giá vàng, mà thường ghi nhận tại thị trường Mỹ và liên quan tới những quyết định về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), hay các phát biểu của những nhà tạo lập chính sách Mỹ.
Thông thường, biến động sẽ dữ dội vào đêm muộn hoặc rạng sáng hôm sau (giờ Việt Nam).
Tuy nhiên, gần đây biến động mạnh nhất của thị trường vàng thế giới lại rơi vào phiên giao dịch trên thị trường châu Á. Mức tăng thường rất mạnh vào ngay đầu phiên, giống như sáng nay (12/4). Hoặc có thể tăng mạnh vào cuối ngày, trước khi chuyển sang phiên giao dịch trên thị trường Mỹ.
Diễn biến này cũng phản ánh một thực tế diễn ra trong khoảng 2 năm gần đây. Đó là sức cầu vàng chủ yếu đến từ châu Á, gồm Trung Quốc, Ấn Độ...
Trong nước, giá vàng cũng biến động rất mạnh trong phiên sáng.
Tính tới 9h18 sáng 12/4, giá vàng miếng SJC lập kỷ lục mới 85 triệu đồng/lượng. Trong khi giá vàng nhẫn, vàng trang sức cũng leo thang.
Thủ tướng Chính phủ vừa tiếp tục có những chỉ đạo để ổn định thị trường vàng trong nước, ngăn chặn các hành vi găm hàng, đẩy giá vàng tăng cao. Tuy nhiên, việc giá vàng thế giới tăng cao có thể khiến việc kiểm soát thị trường này trở nên khó khăn hơn.
Tới 9h25 sáng 12/4, giá vàng giao ngay trên thế giới đã lên 2.395 USDounce (tương đương 73,4 triệu đồng/lượng, tính theo tỷ giá tại Vietcombank 25.170 đồng/USD). Giá vàng giao tháng 6 lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.410 USD/ounce (tương đương hơn 73,8 triệu đồng/lượng).
Vàng thế giới tăng bất chấp đồng USD tăng mạnh trong hai phiên vừa qua, sau khi Mỹ hôm 10/4 công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 tăng 0,4%, cao hơn mức 0,3% theo dự báo. Lạm phát tính trong 12 tháng tăng 3,5%, thay vì mức dự báo tăng 3,4%.
Vàng tăng giá chủ yếu là do sức cầu tại châu Á rất lớn trong thời gian dài, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và có dấu hiệu lan sang châu Âu và cả Mỹ, các châu lục khác khi mà căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Tình hình Trung Đông những ngày qua căng như dây đàn. Giới đầu tư lo ngại Iran tấn công trả đũa Israel vì máy bay chiến đấu Israel bị nghi ném bom vào đại sứ quán Iran tại Damascus, Syria trước đó.
Triển vọng giá vàng sẽ ra sao?
Phần lớn các dự báo gần đây đều cho rằng, giá vàng sẽ tăng và lập kỷ lục mới trong năm 2024, đặc biệt trong nửa sau của năm, vàng có thể lên 2.100-2.400 USD/ounce. Tuy nhiên, lý do được đưa ra chủ yếu do Fed sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 3 lần như tín hiệu đã phát đi.
Nhưng có một thực tế là, mới chỉ đầu tháng 4, giá vàng giao ngay đã lên sát ngưỡng 2.400 USD/ounce, còn giá vàng giao tháng 6 đã lên 2.410 USD/ounce.
Vậy liệu vàng có đạt ngưỡng 3.000 USD/ounce như chuyên gia Ngân hàng Citi dự báo hồi đầu năm trên CNBC không?
Trong dự báo hồi tháng 1, đại diện Ngân hàng Citi nhận định giá vàng thế giới có thể lên 3.000 USD/ounce trong vòng 12-18 tháng, tương đương gần 93 triệu đồng/lượng. Tất nhiên, giá vàng trong nước khi đó có thể lên 100 triệu đồng/lượng.
Cơ sở dự báo của Ngân hàng Citi cũng dựa trên hành động nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed. Dự báo cơ quan này sẽ bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất (có thể cả chục lần) với khoảng 3 lần trong 6 tháng cuối năm 2024.
Nhưng gần đây, Fed đã liên tục trì hoãn giảm lãi suất lần đầu tiên. Các quan chức Fed dồn dập đưa ra các phát biểu diều hâu, khiến kỳ vọng Ngân hàng trung ương Mỹ giảm lãi suất giảm dần, từ 4 lần, dần xuống giờ 1 lần trong nửa cuối năm 2024. Thậm chí, còn có khuyến nghị Mỹ nên tiếp tục tăng lãi suất.
Đồng USD đêm 10/4 (giờ Việt Nam) tăng vọt thêm gần 1% lên trên ngưỡng 105,3 điểm (chỉ số DXY) khiến áp lực lên vàng tăng vọt.
Cú tăng giá của vàng trong sáng 12/4 tiếp tục là một bất ngờ cho thị trường. Điều đó cho thấy, chưa cần tới động thái của Fed, vàng vẫn có dư địa tăng rất mạnh. Các kỷ lục cao mới vẫn được lập.
Vậy đâu sẽ là đích đến cho vàng trong đợt sốt nóng lần này? Câu trả lời là không thể xác định bởi thế giới hiện vẫn bất định. Căng thẳng địa chính trị có thể leo thang ở nhiều nơi. Nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, sức cầu yếu, sản xuất đình trệ.
Quan trọng hơn, mâu thuẫn kinh tế Mỹ - Trung được đẩy ngày càng lên cao. Căng thẳng tại Ukraine và tác động tại châu Âu cũng khó lường. Thế giới đang bước vào các cuộc bầu cử trong năm nay, chính sách tại nhiều nước sẽ có rất nhiều thay đổi khi các lãnh đạo mới lên.
Còn hiện tại, "ngòi nổ" cho giá vàng tiếp tục nằm ở khu vực Trung Đông. Iran vừa có thông điệp tới Mỹ cho biết nước này đặt mục tiêu kiểm soát hậu quả trong hoạt động trả đũa Israel và sẽ không vội với các bước đi của mình. Thông điệp là như vậy, nhưng nó gây lo ngại cho giới đầu tư.
Trong một môi trường đầy bất ổn, dòng tiền sẽ tiếp tục tìm đến các loại tài sản an toàn, trong đó có USD và vàng. Nhưng USD đang bị nhiều nước "ruồng rẫy". Trung Quốc còn đối mặt với một nền kinh tế hồi phục chậm chạp và tiền rất nhiều. Vàng vẫn là một lựa chọn. Gần đây, các nước phương Tây chưa nhập vào làn sóng mua vàng, nhưng với cơn sốt kéo dài, không ít nước sẽ thấy sốt ruột và thiệt thòi.