Sau loạt bài phản ánh của VietNamNet về việc dừng hoạt động phà qua sông Hậu thì đầu tháng 7 vừa qua, UBND quận Ninh Kiều đã có văn bản phúc đáp đề nghị cấp giấy phép hoạt động của chủ bến phà Cần Thơ.
Theo đó, quận Ninh Kiều đề nghị chủ bến phà và Công ty cổ phần cầu Cần Thơ phải lập, cung cấp bổ sung đầy đủ các thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa cho bến phà trước ngày 30/9/2024.
Trong thời gian chờ giải quyết, chính quyền địa phương cũng yêu cầu việc hoạt động đối lưu vận chuyển hành khách qua sông Hậu phải tuân thủ các quy định về quản lý hoạt động đường thuỷ nội địa và các quy định pháp luật hiện hành.
“Quận sẽ gia hạn hoạt động thêm vài tháng để đơn vị (chủ bến phà và Công ty cổ phần cầu Cần Thơ – PV) hoàn tất các thủ tục liên quan. Nếu không thực hiện, quận sẽ cho dừng hoạt động bến phà sau thời gian trên”, lãnh đạo UBND quận Ninh Kiều thông tin.
Như đã đưa tin, bến đò ngang - thường gọi là Bến phà Cần Thơ - từ quận Ninh Kiều qua thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) là tuyến giao thông qua sông Hậu. Mỗi ngày, bến phục vụ hàng nghìn lượt người qua lại.
Tuy nhiên, từ ngày 3/5, bến phà Cần Thơ đã tạm dừng hoạt động cho tới khi có thông báo mới.
Không thể đi vòng gần 20km, qua cầu Cần Thơ như xe máy, nhiều người đi xe đạp, đi bộ liều mình chọn cách đợi ghe, xuồng máy băng qua sông Hậu về nhà sau ngày làm việc vất vả.
Chủ bến phà cho biết, bến hoạt động từ năm 2011, chủ yếu phục vụ công nhân, tiểu thương, sinh viên và nhiều nhất là bà con lao động nghèo từ tỉnh Vĩnh Long qua Cần Thơ mưu sinh.
Hiện bến có 3 chiếc phà với tải trọng từ 70-100 tấn, mỗi ngày chạy trên 50 chuyến qua lại sông Hậu, mỗi chuyến chở từ 20-40 xe máy và khoảng 30-50 người.
Lý giải việc bến phà dừng hoạt động, ông Trần Văn Hiếu, Phó phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận Ninh Kiều cho biết, trong quá trình kiểm tra, rà soát hồ sơ, đơn vị nhận thấy tính pháp lý về đất đai của bến chưa rõ ràng.
“Cụ thể phần diện tích hàng trăm m2 đất và đường dẫn vào bến phà này hiện vẫn do Công ty cổ phần cầu Cần Thơ quản lý, khai thác. Tuy nhiên, trong phương án của Bộ Giao thông Vận tải năm 2014 về việc xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu của công ty trên lại không thể hiện diện tích đất này.
Chính vì vậy, đất tại bến phà Cần Thơ vẫn thuộc quyền của Bộ GTVT nên hợp đồng giữa công ty và chủ bến phà không đảm bảo tính pháp lý”, ông Hiếu nói.