Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Viện Chiến lược Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước, việc xây dựng và áp dụng các chính sách phòng chống rửa tiền cùng với việc triển khai các sản phẩm tài chính toàn diện đã được chú trọng quan tâm tạo ra những tác động tích cực đối với cuộc sống của người dân và trong thực tiễn triển khai cho đến nay chưa có báo cáo về tình trạng gian lận hay dấu hiệu liên quan đến rửa tiền đối với các sản phẩm này, tuy nhiên để tiếp tục đưa sản phẩm tài chính toàn diện lan tỏa rộng hơn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả, cần tiếp tục theo dõi, giám sát quản lý chặt chẽ việc thực thi chính sách pháp luật của Nhà nước về PCRT, đồng thời tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để đổi mới và hoàn thiện hỗ trợ cho việc đơn giản hoá các quy trình, thủ tục vẫn đảm bảo đáp ứng yêu cầu về PCRT cho các sản phẩm tài chính toàn diện.
Để thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đòi hỏi sự đồng lòng, nỗ lực của mỗi người dân doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong đó nâng cao nhận thức về tài chính toàn diện sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các lĩnh vực ngành nghề đã góp phần giảm thời gian, chi phí nhân lực, cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng phát sinh rủi ro nhất định về rửa tiền, tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính toàn diện.
Tại Hội thảo khoa học quốc gia "Rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính toàn diện - Thách thức và giải pháp quản lý" hôm 20/12, ông Đỗ Văn Trường, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, hoạt động phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố là một trong những hoạt động luôn được quan tâm bởi các nhà làm luật, chính sách và các cơ quan thực thi.
Tầm quan trọng của các hoạt động này là không thể phủ nhận trong việc góp phần làm minh bạch, trong sạch hệ thống tài chính cũng như góp phần làm giảm các loại hình tội phạm trong xã hội như buôn lậu, buôn ma túy, tham nhũng…
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, các giao dịch xuyên biên giới ngày càng phát triển thì hoạt động này ngày càng trở nên quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Đứng trước thách thức này, việc thực thi pháp luật liên quan đến hoạt động chống rửa tiền, tài trợ khủng bố phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt càng phải hiệu quả và chặt chẽ. Điều này đòi hỏi không chỉ ở khung khổ pháp luật cần được hoàn thiện, mà còn hoạt động tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức và các cơ quan thi hành phải được thực hiện một cách hiệu quả hơn.
Ngày 07/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố”; trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án kèm theo Quyết định số 787/QĐ-BTC ngày 15/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính.
Mục đích của Hội thảo là tạo diễn đàn khoa học về nghiên cứu rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính toàn diện để cùng chia sẻ các kết quả nghiên cứu và ứng dụng phục vụ phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm tài chính toàn diện. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp quản lý phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đối với các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản hướng đến mục tiêu của tài chính toàn diện.