Đồng tiền mã hoá lớn nhất thế giới có thời điểm đã giảm 5%, chạm giá 18.276 USD, thấp nhất kể từ ngày 19/6, trước khi hồi phục nhẹ về 19.465 USD. Trong tháng này, Bitcoin đã giảm 3,77%, nối tiếp đà giảm 15% của tháng 8 trước đó.
“Áp lực về pháp lý, lãi suất cơ bản tăng và lạm phát đang đè nặng lên các loại tài sản rủi ro, đặc biệt là tiền điện tử, dẫn đến việc nhà đầu tư thanh lý, giảm quy mô danh mục nắm giữ cùng với tâm lý gia tăng lo ngại về các quy định kiểm soát chưa xác định”, Sadie Raney, đồng sáng lập và Giám đốc vận hành tại Strix Leviathan cho hay. “Các yếu tố trên có thể khiến thị trường crypto nói chung rơi vào tình trạng ảm đạm cho tới khi hệ thống tài chính ổn định, các khuôn khổ quy định trở nên rõ ràng hơn”.
Trong khi đó, đồng Ethereum cũng giảm 5%, xuống 1.281 USD vào ngày 19/9, mức thấp nhất kể từ 15/7. Tính riêng trong tháng, đồng tiền điện tử phổ biến thứ 2 thị trường đang giảm 13,6%, đánh dấu tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 6.
Các loại tài sản rủi ro chịu áp lực lớn khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ. Trong tuần này, Fed dự kiến thông qua đợt tăng lãi suất thứ 3 liên tiếp với 0,75%, đưa lãi suất cơ bản chạm mức 3%-3,25%.
“Các nhà giao dịch tổ chức đang coi tài sản kỹ thuật số tương tự như cổ phiếu công nghệ, do đó họ có tâm lý nắm giữ ngắn hạn, góp phần vào việc bán tháo tài sản trên thị trường”, Chris Kline, đồng sáng lập Bitcoin IRA cho biết. “Chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed đã củng cố sức mạnh đồng USD và suy yếu các loại tài sản rủi ro”.
Trước các yếu tố vĩ mô, nhiều “cá voi” – những người, tổ chức, thợ mỏ nắm giữ lượng lớn Bitcoin (thường lớn hơn 1.000 BTC trong ví), đã bán ròng đồng tiền này kể từ tháng 6.
Theo công ty phân tích blockchain CryptoQuant, Bitcoin có thể tạo đáy ở vùng giá 10.000 USD – 14.500 USD trong chu kỳ giảm lần này.
Thế Vinh (Theo CNBC)