Một trong những chủ đề được rất nhiều game thủ Việt quan tâm trong ngày hôm qua chính là câu chuyện DOTA 2 đang được Valve xem xét mở riêng một cụm server dành cho người Việt để chúng ta có thể thỏa ước nguyện thưởng thức game MOBA đình đám mà không còn phải lo lắng về vấn đề đường truyền, vốn rất quan trọng trong những trận đấu đòi hỏi phản xạ chính xác như tựa game này.
 
 
Rõ ràng, nếu việc này trở thành hiện thực, thì đây sẽ là một điều vô cùng đáng mừng cho cộng đồng game thủ trong nước, thêm vào đó là khẳng định vị thế của nền thể thao điện tử Việt Nam vốn đang cố gắng vươn lên thông qua những giải đấu trong và ngoài nước.
 
Thế nhưng bên cạnh số lượng vô cùng ít ỏi những bình luận tích cực, mang nội dung háo hức trước việc một ngày nào đó gamer sẽ có thể chơi tựa game yêu thích của họ ngay trên server được đặt tại mảnh đất Việt Nam, cũng như những kỳ vọng về việc DOTA 2 sẽ được phổ cập rộng rãi hơn, tạo ra cộng đồng người chơi đông đảo hơn, thì hằng hà sa số những comment khác mang hàm ý trái ngược hoàn toàn.
 

 
Theo tư duy của số đông, việc một tựa game online đỉnh về với làng game Việt thật chẳng khác nào “giết chết” cả tựa game lẫn cộng đồng game thủ hâm mộ nó cả. Dần dà, chúng ta, những người chơi game online Việt Nam đang cố gắng thu mình vào một chiếc vỏ ốc, để mặc cho sự tự ti và cực đoan đến mức vô lý chiếm hữu và kìm hãm sự phát triển của chính chúng ta.
 
Vì đâu đến nỗi
 
Đối với những “cựu binh” của làng game, ở đây là những game thủ lão làng, họ thừa đủ kinh nghiệm để chỉ ra những mặt tối của làng game, ít nhất là ở góc độ một người thưởng thức sản phẩm.
 
 
Hack cheat, PK bừa bãi, văng tục chửi bậy, chỉ nghĩ đến bản thân,… rất nhiều thói quen xấu tới mức kỳ dị của game thủ Việt trong nhiều năm qua đã được mổ xẻ đến tận gốc vấn đề. Thế nhưng dường như, với cộng đồng game thủ còn non trẻ với tuổi đời trung bình của mỗi game thủ chỉ xấp xỉ độ tuổi vào cấp 2 hoặc trung học phổ thông, thậm chí là… mẫu giáo nhỡ, câu chuyện ý thức chung của game thủ, góp phần tạo ra một cộng đồng bền chặt và đoàn kết giống như một thứ gì đó vô cùng xa xỉ.
 
 
Dĩ nhiên, những thói xấu kể trên của các game thủ khác cùng chơi, cộng thêm không ít vấn đề đến từ các nhà phát hành game trong nước đã và đang khiến cho không ít người chơi game online Việt Nam cảm thấy sợ hãi và dần mất đi niềm tin vào làng game Việt hiện tại.
 
Ghét game rác, nhưng… sợ game đỉnh
 
Xét về khía cạnh các NPH, một vài người lên tiếng cho rằng làng game Việt giờ giống như một “bãi rác” thượng vàng hạ cám với hàng loạt những sản phẩm game online đến từ Trung Quốc.
 
 
Không phải là nói quá khi chúng ta hoàn toàn có thể tìm được những bình luận như “rác Tàu” trong những phần giới thiệu webgame mới chuẩn bị ra mắt. Trong nhiều trường hợp, một cách khách quan, quả thật một số webgame chỉ sở hữu chất lượng ở mức trung bình thấp.
 
Thế nhưng, ngay khi một tựa game đình đám trên thế giới bắt đầu manh nha xuất hiện những thông tin đăng tải rằng sản phẩm này đang hoặc đã được một NPH game online trong nước mua về và sẵn sàng phát hành tại thị trường Việt Nam, hàng loạt những bình luận với nội dung như “Đừng đưa tựa game yêu thích của tôi về VN, về đây trẻ trâu chúng nó phá hỏng game mất”… xuất hiện hàng loạt.
 
 
Sau quá nhiều năm mất niềm tin vào chất lượng game thủ, một phần do chính những thói xấu được đề cập ở nửa trên của bài viết, không ít những game thủ Việt đã trở nên chai sạn và quyết định quay lưng lại với làng game trong nước, vốn đang liên tục xuất hiện những tín hiệu đáng mừng kể từ đầu năm 2014 cho tới nay.
 
Đành rằng là như vậy, thế nhưng cũng chẳng thiếu những phần tử “ăn theo” trên phần bình luận của nhiều bài viết. Có thể họ chưa bao giờ phải hứng chịu những vấn đề như hack cheat hay văng tục chửi bậy trong game, thế nhưng những game thủ này vẫn chẳng tiếc những lời nói tiêu cực khi bình phẩm về cộng đồng game thủ Việt, cộng đồng mà chính họ đang sống trong đó.
 
Rời khỏi chiếc vỏ ốc
 
Kỳ thực, trong cộng đồng, nếu một người lên tiếng khinh rẻ chính tập thể mà họ nằm trong đó, thì cũng chẳng khác gì người đó khinh rẻ chính bản thân mình cả. Điều này đặc biệt đúng với những game thủ Việt dù chẳng phải ngậm đắng nuốt cay nhưng vẫn quay lưng lại với cộng đồng, thứ mà họ coi như một “xu hướng”.
 
 
Làng game Việt rồi sẽ có thêm những game online đáng chú ý ra mắt. Đúng như bản chất vấn đề, hãy coi đó là một niềm tự hào, một vinh dự lớn khi nhiều thị trường game nước ngoài phải ghen tị vì chưa chắc đã được thưởng thức chúng (Cửu Long Tranh Bá là một ví dụ điển hình).
 
Việc quá tự ti, không tin tưởng vào sự thay đổi tích cực của làng game nói chung cũng như ý thức game thủ Việt nói riêng rốt cuộc sẽ chỉ khiến cho chính chúng ta trở nên chậm chạp, cố gắng hồi tưởng về quá khứ tuyệt vời của thị trường game online thay vì tiếp tục bước về phía trước đúng như quy luật phát triển.
 
Theo Trí Thức Trẻ