Diễn ra từ ngày 11 đến 19/11 tại TP. Pleiku và các huyện Ia Grai, Chư Păh, Tuần Văn hóa- Du lịch Gia Lai 2023 gồm nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch đặc sắc, hấp dẫn như: Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng - Gò Đá và công bố Bảo vật quốc gia sưu tầm công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê; Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai; Giải chạy “Gia Lai City Trail 2023 - Giấc mơ đại ngàn”; Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya; Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Kô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai. 

tuan le van hoa.jpeg
Điểm nhấn của Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai 2023 là Festival Văn hoá cồng chiêng. 

Hơn 1.000 nghệ nhân của 22 đoàn nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng đã hội tụ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai cùng tái hiện không gian buôn làng vào dịp lễ hội như phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn nghệ dân gian, ẩm thực, đan lát, dệt vải, tạc tượng.

Là đoàn chủ nhà, Gia Lai cũng đã tạo ấn tượng tốt với bạn bè các tỉnh bởi những nghi lễ độc đáo. Trong đó, có phục dựng Lễ “Mừng chiến thắng” của đồng bào Gia Rai ở huyện Chư Pưh. Cùng với đó, tái hiện lại không gian sinh hoạt của đồng bào Gia Rai như tạc tượng, đan lát, đánh chiêng, múa xoang, hát dân ca…

Điểm nhấn của Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai 2023 là Festival Văn hoá cồng chiêng. Trong đó, Chương trình lễ hội đường phố thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân trong tỉnh cũng như du khách từ mọi miền đất nước. Đây là điểm gặp gỡ và thăng hoa của cả nghệ nhân, du khách. Khắp các tuyến phố Pleiku rộn rã tiếng cồng chiêng hòa cùng điệu xoang uyển chuyển đã mang đến cho nhân dân, du khách những trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn.

Đây là lần thứ 3 tỉnh Gia Lai tổ chức Festival Văn hóa cồng chiêng. Thông qua sự kiện đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy, tôn vinh giá trị Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; tạo sự giao lưu văn hóa, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trong khu vực.

Sự kiện không chỉ tôn vinh giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc mà còn kết nối, xích lại gần nhau của các cộng đồng cư dân, cùng phát huy bản sắc các vùng miền, các dân tộc tạo nên sức sống mãnh liệt, bền chặt nơi đại ngàn. 

Khánh Vy